Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

có không kỵ húy trong Phật Thuyết?

VỀ DẤU VẾT CHỮ NÔM KỴ HÚY TRONG SÁCH “PHẬT THUYẾT”



Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Phật thuyết) trước nay vẫn được các nhà nghiên cứu coi là “văn bản bảo lưu được nhiều mã chữ cổ nhất và nhiều từ Việt cổ nhất” và “là một dịch phẩm Nôm bằng văn xuôi sớm nhất…” [17, tr.132]. Hoàng Thị Ngọ trong cuốn chuyên luận nghiên cứu về tác phẩm này năm 1999 đã chứng minh rằng, văn bản giải âm PT hiện còn được Trịnh Quán in lại vào đầu thế kỷ XVIII (muộn nhất vào năm 1730), và chứng tích chữ Nôm và ngữ âm thuộc về thế kỷ XV [tr.132], Shimizu Masaaki cũng có kết quả tương tự . Sự dè dặt, cẩn trọng về thời gian sáng tác Phật thuyết trong nghiên cứu của Hoàng Thị Ngọ và Shimizu Masaaki là cần thiết. Tuy nhiên, gần đây, với sự mẫn cảm của thế hệ lão thành trong nghiên cứu, Gs Nguyễn Tài Cẩn đã tìm thấy trường hợp kỵ húy đời Trần trong văn bản này trong bài viết Some Issues in Nom Studies (Vài vấn đề về Nôm học) ông công bố tại hội thảo quốc tế về chữ Nôm năm 2008 tại Đại học Temple. Trên tạp chí Hồn Việt, số 33 tháng 03 năm 2010, giáo sư đã công bố bài Một bản dịch Nôm đầu đời Lý: bản “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”. Cùng với giáo sư Nguyễn Quang Hồng, các ý kiến của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có thể nói là đã có ảnh hưởng khá lớn đối với học giới. Đã có những trao đổi diễn ra đề cập đến vấn đề trên như ý kiến của học giả An Chi. Bài viết này chúng tôi tạm thời thảo luận ba trường hợp cụ thể mà giáo sư đã nêu.
1. Trường hợp chữ anh có phải kỵ húy đời Trần?
Trong bài viết năm 2008, giáo sư đã viết: chữ anh trong chữ Nôm được dùng để ghi từ anh em, ví dụ như cứ liệu sớm nhất xuất hiện trong bài thơ 174 của Nguyễn Trãi (英三anh tam), anh anh chú chú trong bài 80 của Nguyễn Bỉnh Khiêm và sau đó là ở các câu 57, 838, 1596, 1643 trong Hoa Tiên ký (AB.269), câu 832 và 2538 của Hoa Tiên nhuận chính, trong đoạn 33 sách Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (bản chép tay của Nguyễn Tài Chất, đồng thời cũng được khắc in năm 1902 đời Thành Thái)… Ông đã phát hiện ra rằng đã có năm chữ anh (trong anh tam) xuất hiện trong cuốn Phật Thuyết có dấu hiệu kỵ húy. Chữ anh được ghi bằng chữ nôm anh 嬰(như trong dục anh) mà phần trên (hai bộ bối貝貝) được viết bằng chữ á 亚, viết dầy đủ là chữ , chữ này xuất hiện tại các vị trí 18b3 đánh mắng anh tam, 18b5 anh tam mà thốt cùng, 20b4 lìa tán đến anh tam, 22a3: anh tam nhà nghĩ lại lấy làm xa, 42a3: tin người xa làm anh tam. Ông đi đến nhận định rằng, đây là dấu hiệu quan trọng lối kỵ húy đời nhà Trần [tr.5].
Chúng tôi cho rằng đây không phải là những chữ kỵ húy. Bởi hai lý do nêu như dưới đây.
Về mặt văn tự học, đây chỉ là một chữ tục thể. Cấu trúc của chữ này quả đúng như giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã phân tích. Phần trên là chữ á亚 ( chữ á còn được viết bằng các tự dạng khác như亞 và 亜), phần dưới là chữ nữ女. Tự dạng này của chữ á là một kiểu viết tháu đấm thường thấy trong các văn bản Hán Nôm. Tháu đấm về từ nguyên là đọc chệch âm của hai chữ thảo (thảo thư) và điểm (chấm, đấm), có thể tạm định nghĩa rằng tháu đấm là lối dùng dấu chấm trong cách viết của thảo thư. Các dấu chấm này (thường là hai chấm hai bên phải và trái của chữ), được dùng để thay thế cho các bộ thủ, cho các chữ có tính đối xứng hai bên. Ví dụ: chữ quốc 囯được viết thành , chữ văn 聞được viết thành , chữ lạc 樂được viết thành , chữ biến 變được viết thành , chữ vấn 問được viết thành , chữ biện 辧được viết thành . Cho nên, chữ tịnh並 (trong tịnh hành, tịnh tiến) rất quen thuộc vốn là một dạng chữ tháu đấm đã được thông dụng hóa của tự dạng tịnh竝 (gồm hai chữ lập, trỏ ý hai người cùng đứng cạnh nhau), cũng như vậy , chữ cạnh 競được viết bằng .
Quay trở lại với chữ Á ở đây, tự dạng giản thể 亚vốn là một tục tự tháu đấm của tự dạng phồn thể là 亞 và 亜. Hơn thế nữa tự dạng này còn là dạng viết tắt của hai bộ bối貝貝. Có một chữ khác cũng có kết cấu tương tự, đó là chữ cồ/ cù .Trong Đại tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính chữ Cồ được viết đúng theo tự dạng mà tác giả đã khảo khát qua văn bản thực tế (貝貝+隹) . Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (bản gốc 1942, Đuốc Tuệ) có những chữ sau 氍, 鸜, 懼, 戄 trong đó âm phù cồ đều viết theo dạng (貝貝+隹). Cồ 瞿" trong Cư trần lạc đạo (hội 7) của Trần Nhân Tông có đoạn: Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo; mến đức Cồ , kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay và trong Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca cũng có chữ này ở đọan 253: Nước xưng Cồ Việt nhưng, cả 2 bản Nôm này đều viết chính xác là . Tuy nhiên, một số tự điển chữ Nôm mới biên soạn gần đây lại coi đây là chữ viết sai, nên chỉ dùng dạng chính tự . Đây là một bất cập cho văn tự học nói chung, khi các soạn giả đang làm mất đi các yếu tố văn tự chỉ xuất hiện ở văn bản của người Việt . Đến đây chúng tôi tạm suy luận như sau: [貝貝] được viết thành亚 trong , thì nó cũng có thể viết tắt như vậy ở trong chữ cồ. Tự dạng này chúng tôi đã từng gặp trong từ điển của Bá Đa Lộc Bỉ Nhu khi khảo về quốc hiệu “Đại Cồ Việt”. Chữ Cồ và chữ anh đều không phải là chữ viết kỵ húy.
Bằng chứng thứ hai, vì là một tục tự, nên tự dạng này còn xuất hiện trong nhiều văn bản Hán Nôm khác. Trong Quốc âm thi tập, tự dạng trên xuất hiện ở các vị trí 64.6 : mây khách thứa nguyệt anh tam, 139.6: bếp lạnh anh tam biếng hỏi han. Nếu khảo sát nhiều sách hơn nữa thì cũng sẽ gặp nhiều văn bản viết như vậy.

2. Chữ hâm hay là chữ sớm?
Cũng trong bài viết in năm 2008, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn đưa thêm một trường hợp kỵ húy chữ hâm. Ông viết: “chữ hâm 歆còn được dùng để ghi âm Nôm là hăm hoặc hôm. Các âm hăm và hôm không phải là âm kỵ húy, có lẽ vì thế, chúng đã được khắc đúng theo chính tự ở các vị trí 5b5, và 9a3. Nhưng rất lạ là, cũng ở dòng 3 trang 9a, hai chữ hôm sao ngay phía dưới được viết là với chữ hâm được khắc bất thường, không giống với hai chữ trên, đó là dấu hiệu chứng tỏ rằng người dọn sách bỗng nhiên nhớ ra rằng phải kỵ húy về mặt tự dạng ở đây để kỵ húy âm hâm…Mặt khác, tại vị trí 15b, chữ hôm mai trong đó hôm được ghi bằng chữ . Với cách kỵ húy là viết bộ phu 夫thay cho bộ khiếm 欠.” [tr.5] Như thế, tác giả cho rằng, đây cũng là một dấu vết may mắn còn sót lại từ đời Trần.
Chúng tôi cho rằng cần phải có sự biện luận cụ thể ở từng trường hợp như sau. Trong các câu: nay mở lòng hăm hở (5b5) được dịch từ câu chữ Hán kim phát dũng mãnh tâm, và câu bảo triêu chẳng bảo hôm (9a3) được dịch từ câu chữ Hán bảo triêu bất mộ, thì chữ hâm đều được viết rõ ràng và chính xác là chữ 歆. Cho nên, khó có khả năng “bỗng nhiên nhớ ra phải kỵ húy” của người biên soạn ở ngay chữ đứng sau nó. Thực ra chữ (敛)vốn là chữ giản thể của chữ liễm 歛dùng để ghi âm sớm. Trong Phật thuyết chữ này còn xuất hiện hai lần tại các vị trí 20b9, 21a1 cũng để dịch chữ Hán triêu朝. Còn ở đây, nguyên văn chữ Hán là một từ song tiết, nên từ Nôm cũng dịch thành hai âm tiết sớm mai. Chúng ta đọc lại cả câu, cú đậu xong thì thấy mạch văn khá rõ ràng như sau: một tháng nang dạ mẹ cưu lòng chửa, có bằng hột [móc] trong ngọn cỏ, bảo triêu chẳng bảo hôm, sớm dao mới hợp, nửa ngày đà tan dịch sang tiếng Việt hiện đại là: khi mẹ có mang được một tháng, bào thai mới bằng hạt sương đầu ngọn cỏ , sáng còn mà chiều thì chưa chắc đã giữ được, buổi sáng thì đọng lại, được nửa ngày đã tan mất. (so sánh với nguyên văn chữ Hán: nhất nguyệt nhâm thần hoài thai, hữu như thảo thượng lộ châu, bảo triêu bất mộ, tảo thần phương tụ, ngọ thì tiêu tan ). Ở trường hợp này, Hoàng Thị Ngọ cũng phiên là hôm ở trang 148 nhưng sau đó lại phiên là sớm ở phần bảng tra trang 205. Tuy nhiên, sớm dao là một từ cổ lâm thời dùng để dịch từ tảo thần 早晨 trong tiếng Hán như vừa nói ở trên. Điều này có lẽ khó có thể khác được. Cũng cần nói thêm rằng, trong suốt 1000 năm, chữ Nôm luôn lấy chữ liễm 歛làm thanh phù để ký âm sớm. Còn trường hợp cuối cùng, chữ tại vị trí 15b thì vẫn ghi là hôm, tuy nhiên bản in không tốt, hoặc ván khắc đã bị vỡ nét mà thôi.

3. Chữ càn có phải là kỵ húy đời Lý?
Trong bài viết Một bản dịch Nôm đầu đời Lý: bản “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh” trên tạp chí Hồn Việt, số 33 tháng 03 năm 2010 [tr.6-8], giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn phát hiện thêm một trường hợp kỵ húy PHỤNG CÀN VƯƠNG, tức vua Lý Thái Tông. Giáo sư tìm thấy 3 vị trí trong bản Phật thuyết kỵ húy chữ CÀN 乾viết là乹 (11b8, 18a2, 34a4) [1, tr.6-8; 2]. Thực ra, tự dạng乹chỉ là tục tự của chữ乾CÀN, là tự dạng thường thấy trong các sách vở của nhà Phật. Tự dạng này đã được đưa vào kho chữ unicode quốc tế, có thể đánh máy bằng các bộ gõ thông dụng của Trung Quốc như sogou, googlepinyin, hay có tra cứu trên mạng được. Ví dụ: zdic.net ghi: “乹 qián: xưa cũng như “乾1”。Trong sách Phương ngôn tập vựng方言集汇 phần Việt ngữ 粤语 ghi âm gon1 , Tiếng Khách gia 客家话:giọng Mai huyện 梅县là gon1, Trong Khách- Anh tự điển客英字典 ghi âm ken2 , gon1 , kien2”. Tự dạng này cũng được nhiều tự điển khác ghi nhận. Tự điển Hán Việt (Hán ngữ cổ đại và hiện đại) của Trần Văn Chánh cũng ghi nhận 乹 là chữ Càn乾 [3, tr.36]. Hán ngữ đại tự điển [27, tr.56] cho biết tự dạng này đã từng được các tự điển cổ sưu tập như Tập vận, Chính tự thông. Về nghĩa thì ở cả 3 vị trí đều đọc là can (nghĩa là khan, khô) trong câu: di can tựu thấp (dời con đến chỗ khô, mẹ nằm chỗ ướt), hay can xứ nhi ngọa (chỗ khô con nằm).
Thay lời kết: Có thể nói, nghiên cứu chữ kỵ húy mà giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đưa ra là hướng đi thú vị. Những cố gắng trên của tác giả được thực hiện trên kinh nghiệm và sự mẫn cảm trong suốt một đời nghiên cứu dày dặn của mình. Chúng tôi cũng đồng thuận với ông rằng, Phật thuyết là một văn bản cực kỳ quan trọng, có thể nói là tác phẩm văn xuôi đầu tiên trong lịch sử của dân tộc. Hơn nữa, chúng tôi cũng thấy rằng, những chứng tích, ngôn ngữ văn tự trong văn bản này là một điều “đặc dị”, “độc nhất vô nhị” và khác biệt hoàn toàn với toàn bộ di sản Nôm còn lại. Tác phẩm ấy, có lẽ được viết ra từ rất sớm, nhưng để chứng minh được điều ấy, chúng ta không những phải tìm thêm tiếp các trường hợp kỵ húy mà còn phải khảo sát toàn bộ các yếu tố văn tự của nó và so sánh với các tác phẩm Nôm khác theo chiều lịch đại, như thế ngõ hầu mới có được một kết luận có sức nặng. Tuy nhiên, công việc ấy là của nhiều người và của nhiều thế hệ sắp tới. Hiện thực hóa cảm giác của mình bằng các số liệu khoa học là một công việc rất đỗi gian nan của người làm nghiên cứu.


(theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An 2010)
Tác giả: Trần Trọng Dương, Viện NC Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội.
Email: trantrongduonghn@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét