Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Tích hợp Nho Phật qua tín ngưỡng thờ Lạc Vương

TÍCH HỢP CÁC YẾU TỐ PHẬT GIÁO- NHO GIÁO TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM QUA TÍN NGƯỠNG THỜ LẠC VƯƠNG Đề từ: “tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi” (Ngô Sĩ Liên) Trần Trọng Dương (Viện NC Hán Nôm) Lạc Vương từ lâu trong lịch sử Việt Nam được coi là vị “thủy tổ” (chữ dùng trong Ngọc phả) của người Việt. Tín ngưỡng thờ Lạc Vương có thể coi là một tín ngưỡng phổ quát ở Việt Nam. Tín ngưỡng này có mặt hầu hết ở các địa phương. Với tư cách là một tín ngưỡng bản địa, tục thờ cúng Lạc Vương đã có những giao thoa, thâu nạp một số yếu tố của Nho giáo và Phật giáo- hai tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tinh thần và văn minh vật chất của Việt Nam trong thời cổ- trung đại. Bài viết, qua việc khảo sát các tư liệu Hán Nôm như thư tịch lịch sử, thần tích, sắc phong và những ghi chép dân gian khác viết về Lạc Vương, bước đầu tiến hành phân suất và phân tích quá trình tích hợp các yếu tố văn hóa, tư tưởng của Phật giáo và Nho giáo vào tín ngưỡng thờ Lạc Vương ở Việt Nam. Bài viết sẽ nghiên cứu chủ yếu ở hai khía cạnh sau: 1. Phật thoại hóa tích chuyện lịch sử; 2. Thần quyền hóa- Nho giáo hóa ở cấp độ lịch sử quan phương. 1. Phật thoại hóa tích chuyện lịch sử Giới sử học Việt Nam từ những năm 1960 đã tiến hành những nghiên cứu quy mô rộng đa liên ngành (từ khảo cổ, lịch sử, cho đến văn hóa, ngôn ngữ…) nhằm chứng minh về một thời đại Hùng Vương (sic) và văn minh vật chất của thời đại này trong lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bài viết này không nhằm đến thảo luận những vấn đề đúng hay sai về mặt phương pháp luận, mục đích luận cũng như kết quả khoa học đã đưa ra của giới khoa học về lĩnh vực lịch sử, mà trọng tâm đi vào phân tích và so sánh những yếu tố tích hợp từ hai tôn giáo Nho Phật qua các ghi chép thành văn trong thời Trung Đại. Cụ thể, phần đầu của mục này sẽ tiến hành khảo sát sự tích hợp mô típ trong chuyện kể Phật giáo qua các văn bản ghi sự tích Lạc Vương nhằm đi đến một cái nhìn về quá trình thâu nạp các yếu tố văn hóa Phật giáo qua tục thờ quốc tổ Lạc Vương trong lịch sử. Tư liệu văn hiến bản địa sớm nhất có đề cập đến nguồn gốc sinh thành của dân tộc Việt là sách Lĩnh Nam chích quái嶺南摭怪viết vào thời Trần. Sách này viết rằng: " Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất tường, vứt ra cánh đồng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng cho là triệu phi thường”. Trăm người con trai ấy chính là tổ tiên của người Bách Việt " Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Lạc Vương, nối ngôi vua.” Ngọc phả tại Phú Thọ có đoạn ghi như sau: “Khi lên ngôi, Long Quân đặt hiệu là Hùng Hiền Vương, khi ấy nàng Âu Lạc (tức Âu Cơ) đã có mang ba năm ba tháng mười ngày rồi, trên núi Nghĩa Lĩnh có mây lành ngũ sắc rực rỡ. Vào giờ Ngọ ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý, nàng Âu Cơ đã đến kỳ thai bầu chuyển vận. Đến giờ Ngọ ngày 28, hương lạ đầy nhà, ánh sáng khắp buồng, sinh được một bọc bạch ngọc, hương lạ hóa khí, sinh ở ao sen đỉnh ngọc đất tổ Thứu Lĩnh núi Nghĩa Lĩnh. Lãm vương thấy sinh được bọc quý, rất lấy làm lạ. Các nước trong thiên hạ xưa nay thì đây là việc lạ chưa từng thấy, bèn vời bách quan văn võ vào chầu ở chính điện. Giờ ngọ ngày đó, trong thành nội hô hiệu lệnh ba tiếng, chuyển động kiền khôn, sơn hà thảo mộc vạn vật đều kinh, mây lành ngũ sắc rạng khắp ba ngàn thế giới, chính điện có hàng vạn chim bay đến chầu. Dưới núi, sóng nước vọt cao, trăm thú lẫn kình nghê muôn loài đều ùa theo [7] mưa gió đến chầu. Vua thấy quốc gia nhiều điềm lạ, bèn triệu tập văn võ chỉnh tề mũ áo, trai thành tịnh khiết, lên thượng điện Kính Thiên, thắp hương đăng phụng đợi chầu vái Hoàng Thiên Thượng Đế, cúi trước muôn thiêng. Giờ Thân hôm đó, bỗng thấy một đám mây xanh từ phía Tây đến đậu trên thềm rồng điện Kính Thiên, tự nhiên xuất hiện 4 tướng cao hơn trượng rưỡi, đầu đội mũ hoa quan, thân mặc bào xanh, gấm báu buộc thắt lưng, giải ngọc vương chân, đi hài sắt, miệng cười tỏa hào quang, mây bốc ngùn ngụt, tay cầm một lệnh long bài của Ngọc Hoàng Thượng đế, sắc xuống cho hiền chủ của đất Nam có long bào trăm trứng, trong ngọc khuyết sinh được trăm trai trị nước, nay lệnh cho Tứ đại Thiên vương giúp đỡ khuông phò. Cho nên ban sắc ấy!”. Đọc ba đoạn trích dẫn trên về việc Âu Cơ sinh trăm trứng, tạm thời chúng ta có thể đi đến nhận định như sau: Lĩnh Nam chích quái là tư liệu cổ nhất ghi chép về sự kiện này, và tư liệu trên thể hiện phần nào việc vay mượn tích chuyện Phật giáo. Bởi khi so sánh đoạn ghi ấy với ghi chép của một số kinh sách Phật giáo thì thấy một số điểm tương đồng. Sách Câu Xá quang ký 俱舍光記 và Bách duyên kinh 百缘经 coi việc đẻ trứng là điềm không lành (xem phụ lục). Nếu như ở Lĩnh Nam chích quái đẻ trứng bị coi là điềm xấu thì đến Đại Việt sử ký toàn thư, chi tiết “điềm xấu” đã bị lược bỏ, các sử gia khi biên soạn đã thêm vào đó là chi tiết “chia con” để viết nên một tích đẹp về quá trình mở rộng bờ cõi và không gian hình thành của dân tộc. Cho đến, bản ngọc phả Lạc Vương, chi tiết “sinh bọc trứng” đã được coi như là một điềm lành biểu thị sự hưng vượng quốc gia. Khoan bàn đến những chi tiết lịch sử cùng với huyền sử được đề cập đến ở đây, chúng tôi muốn nhất nhấn mạnh đến mô típ sinh trứng (còn gọi là noãn sinh) trong văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa Ấn nói chung. Qua sự khảo sát của chúng tôi qua các sách Câu Xá quang ký, Tạp bảo tạng kinh, Lục độ tập kinh, Nhật Bản linh dị ký, Bách duyên kinh (xem phụ lục 1), mô típ sinh bọc trứng là mô típ chỉ xuất hiện trong các kinh sách Phật giáo . Các chi tiết nhục đoàn (bọc thịt)- bách noãn (trăm trứng)- nam tử (con trai) là những yếu tố xác chỉ cho Phật tử hay Phật tính . Lê Mạnh Thát trong cuốn Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta coi Lục độ tập kinh là văn bản sớm nhất ghi chép lại nguồn gốc dân tộc, từ đó ông cho rằng: “chính đây là chi tiết mà nó giúp ta xác định thời gian xuất hiện và nguồn gốc khai sinh truyền thuyết về lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta” . Tuy nhiên, mục đích luận của tác giả đã khiến cho công trình này mang dáng dấp của tinh thần dân tộc chủ nghĩa thuần túy. Nguyễn Hòa đã phản biện tư tưởng này như sau: “So sánh chuyện này với truyền thuyết về Lạc Long Quân - Âu Cơ thì ngoài cái bọc trăm trứng, giữa chúng không có bất cứ liên hệ nào. Một bên là minh chứng cho khả năng “đốn ngộ”, một bên là truyền thuyết về nòi giống và quá trình xây dựng cộng đồng, mở mang bờ cõi, tính mục đích hoàn toàn khác nhau.” Chúng tôi đồng thuận với cách chỉ chính của Nguyễn Hòa. Tuy nhiên, phủ nhận hoàn toàn không có mối liên hệ nào giữa các tư liệu trên thì cũng cần phải cân nhắc lại. Tạm thời có thể đi đến nhận định rằng: chi tiết bọc trứng sinh trăm con trai trong truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ là sự chuyển dịch mô típ tích chuyện Phật giáo vào truyền thuyết khởi nguyên hình thành dân tộc. Sự chuyển dịch này có thể là sản phẩm của một quá trình du nhập Phật giáo vào đời sống tín ngưỡng người Việt trong giai đoạn xa xưa. Người sáng tác có thể là một/ hay nhiều thiền sư hoặc cũng có thể là của vị Nho sĩ chịu ảnh hưởng ít nhiều văn hóa Phật giáo . Như Đỗ Thiền Đăng viết: “Việc trăm trứng sinh nên trăm người con trai thể hiện rất rõ mối giao thoa giữa Phật giáo với truyện kể của người Việt. Mối giao thoa đó cũng rất tiêu biểu cho sự giao hòa giữa Phật giáo với dân gian…” 2. Thần quyền hóa- Nho giáo hóa ở cấp độ lịch sử quan phương Thần quyền hóa và Nho giáo hóa thực chất là hai quá trình khác nhau. Nhưng trên bề mặt, và trong thực tế xã hội Việt Nam thời Trung đại, hai quá trình này lại nhất thể hóa làm một. Xu hướng thần quyền hóa Nho giáo chính là quá trình du nhập các vị thần bản địa và các vị thần của tôn giáo khác vào đời sống chính trị nhằm củng cố vị thế và quyền lợi của vương quyền. Một ông vua Nho gia sẵn sàng đưa một vị thần nào đó vào tự điển quốc gia không phải là một việc làm vu vơ, mà đó là một hành vi có tính đa trị. Vừa là sự dung hòa giữa thể chế và tư tưởng Nho gia với những tín dân còn đang mê mải với các tôn giáo khác, lại vừa là một cách để kiềm tỏa những mối “dị đoan” nằm ngoài vòng kiểm soát của vương quyền. Từ hiện thực đó, xu hướng thần quyền hóa Nho giáo đã diễn ra. Các nhà Nho vốn luôn giữ thái độ “kính nhi viễn chi” với quỷ thần, sau đã biết sử dụng các vị thần dị đoan ấy như là một công cụ bùa phép để linh thiêng hóa cái vị trí “trời trao”. “Trời” hay “Thiên đế” – một thực thể siêu hình tối cao, kết hợp với các thần linh bản địa tạo nên thế hợp lực để thần bí hóa quyền lực. Hai quá trình trên đây có lẽ đã ngấm ngầm diễn ra trong nhiều thế kỷ. Nhưng phải đến đời Trần, qua những ghi chép trong Việt điện u linh, chúng ta mới thấy các vị vua của triều đại này đã tiến hành ban cấp sắc phong một cách ồ ạt cho các vị thần Phật giáo và thần bản địa. Hiện chưa tìm được sắc phong của nhà Trần cho Lạc Vương. Song, qua sưu tập của Lĩnh Nam chích quái cho đến việc Ngô Sĩ Liên cuối thế kỷ XV đã chắp huyền sử đời Lạc Vương vào trong chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư) dưới lệnh của một ông vua chuyên chế đậm đặc chất Nho giáo- Lê Thánh Tông. Tuy nhiên ở thế kỷ XV, các huyền sử này đã được sử gia tinh tế họ Ngô xếp vào phần “ngoại kỷ”, và thế thứ cũng chỉ mới có ba đời: Kinh Dương Vương, Lạc Long quân và Hùng Vương (sic) , thì chúng ta tạm thời có thể đi đến nhận định rằng: ít nhất đến đời Lê sơ, tục thờ này có thể đã chính thức được triều đình quân chủ tập quyền giai đoạn này công nhận như là một vị thần tối cao được đưa vào tự điển quốc gia. Việc thi hành tự điển quốc gia này do bộ Lễ (cơ quan quản giám bách thần) quản lý điều hành, và do đích thân hoàng đế phê duyệt. Các kỳ xuân thu tự điển, có thể chính nhà vua đứng vai chủ tế y như các việc quốc tế khác như tế tông miếu, tế xã tắc vậy. Với tư cách là vị thần của quốc gia, chức năng của vị thần đang được nói đến không gì khác ngoài việc “hộ quốc tí dân” thông qua các việc “nẫm trứ linh ứng” để “thọ quốc mạch”. Quản giám bách thần của nhà nước, nằm sâu bên dưới về mặt bản chất, là quản giám hàng trăm ngàn tín dân phía dưới. Cũng chính từ đây khởi đi, việc Nho giáo hóa các vị thần bản địa- mà ở đây là Nho giáo hóa tục thờ quốc tổ (thủy tổ Lạc Vương) đã được thể hiện cụ thể qua các văn bản. Các thần tích, ngọc phả do đời sau “sáng tác văn bản” và “ngụy tạo niên đại” đều tham chiếu, sao chép lẫn nhau để hình thành nên một hệ thống thế thứ mười tám đời, lấp đầy khoảng trống hai nghìn năm thời sơ sử bằng một tinh thần Nho gia sùng thượng cổ đại đế vương nhằm kéo dài tính chính thống của triều đại và dân tộc. Theo thống kê của chúng tôi (qua thư tịch, thần tích, thần sắc cho vị thần này tại hai tỉnh Sơn Tây và Phú Thọ), từ thời Lê sơ đến cuối đời Nguyễn, đã có hàng trăm sắc phong ban cấp, với hàng chục mỹ tự khác nhau. Điều này minh chứng thêm quan điểm mà chúng tôi đã nói ở trên: ban cấp sắc phong là một hình thức nữa để thần quyền hóa vương quyền. Mặt khác, trong quá trình tạo dựng một hình ảnh cho vị quốc tổ có công triệu tạo quốc gia, dựng xây nguồn cội dân tộc, các nhà nho không ngần ngại tiến hành Nho giáo hóa hình ảnh Lạc Vương để vị thần chủ này mang dáng dấp của một ông vua theo mẫu hình Nho giáo. Đọc thần tích ngọc phả Lạc Vương, chúng ta có thể nhận rõ ra rằng, khi bình phẩm đánh giá về một triều vua Lạc nào đó, người viết sẵn sàng gia cố những hình mẫu và tiêu chuẩn của một bậc quân vương- thay vì đó là hình ảnh của tù trưởng của liên minh bộ lạc. Ví dụ: “Vua bèn đặt các tướng, tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng. Các vương tử được gọi là Quan Lang. Các vương nữ gọi là Mỵ Nương. Các quan hữu ty gọi là Bố Chánh. Khi ấy, trong khắp thiên hạ, trên thì đã chính nhân luân, dưới đã được chỉnh đốn phong hóa, bỏ kẻ xấu cất nhắc người có năng lực, ai cũng có ngôi thứ yên ổn. Nhà vua rủ áo chắp tay, chốn cửu trùng thì hòa mục , nhân dân thì đào giếng cấy cày. Khắp chốn dân gian đều được no đủ, không có ai là không toại kỳ sinh. Không có vật nào là không nuôi dưỡng. Cái công bình trị , an định thời ấy còn vượt cả các đời vua trước. Phong giáo đời thái cổ còn chưa thể bằng được vậy. Mệnh nước dài lâu, đời đời cha truyền con nối, đều lấy hiệu là Lạc Vương. Ngọc bạch xa thư, non sông một mối, ấy là thủy tổ Bách Việt.” Chúng ta có thể thấy lời lời chữ chữ trong đoạn trích trên là các tầng tầng lớp lớp kinh điển của Nho gia, biểu hiện qua các thuật ngữ nhân luân, phong hóa, hòa mục, cửu trùng, phong giáo, ngọc bạch, xa thư, vương tử, bố chánh, quan hữu ty, phong hóa, rủ áo chắp tay (thùy y củng thủ), toại kỳ sinh, bình trị… Đến đây, tạm có thể đi đến một hình dung về quá trình Nho giáo hóa hình ảnh về quốc tổ Lạc Vương, từ việc xây dựng hình ảnh có mục đích luận cho đến chức năng xã hội của tục thờ Lạc Vương trong thời trung đại. Đây là hướng nghiên cứu thú vị và cần triển khai rộng hơn sâu hơn trong thời gian tới. Kết luận: Tục thờ Lạc Vương đã biểu hiện hai xu hướng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Đó là sự tích hợp các yếu tố văn hóa của Phật giáo và Nho giáo vào trong tín ngưỡng thờ quốc tổ Lạc Vương. Các nhà Nho trong quá trình củng cố quyền lực của thể chế quân chủ, đã tiến hành thâu nạp các yếu tố của cả Nho lẫn Phật. Sự thâu nạp ấy thể hiện qua các phương diện: 1. sử dụng tích truyện, mô típ hay các nhân vật Phật giáo vào xây dựng hình ảnh thủy tổ và nguồn gốc dân tộc; 2. Mỹ hóa hình ảnh quốc tổ theo mẫu hình tiêu chuẩn của một ông vua Nho gia; 3. Đưa Lạc Vương của thời đại huyền sử vào các ghi chép chính sử; 4. Biến một tín ngưỡng dân gian bản địa thành quốc gia tự điển trong khuôn khổ lễ nghi - điển chế của Nho giáo. Những nghiên cứu trên đây chỉ là những nhận định ban đầu. Việc giao thoa ảnh hưởng của tín ngưỡng này đối với các tín ngưỡng bản địa và phi bản địa, cũng như những quyền lực mà nó áp đặt lên lịch sử, khoa học lịch sử và tâm lý dân tộc là một việc cần phải tìm hiểu trong thời gian sắp tới. Tác giả: Trần Trọng Dương. Viện NC Hán Nôm; Email: trantrongduonghn@gmail.com ; Độ dài văn bản: 8.639 chữ PHỤ LỤC 1 : CÁC CHUYỆN SINH BỌC THỊT, SINH TRĂM TRỨNG QUA KINH PHẬT 1. Chuyện sinh trứng nở con trong sách Câu Xá Quang ký Câu Xá quang ký 俱舍光記:「婆沙一百二十四云:毘舍佉,鹿子母。般遮羅,是地名,唐言執五。此王從地為名。妃生五百卵,羞愧恐為災變,以小函盛棄殑伽河,隨流而去下。有鄰國王,因觀水見卵,遣人取將歸。經數日開,各出一子,養大饒勇,所往皆伏,無敢敵者。彼鄰國王與彼父王久來怨讎,欲遣征罰,先作書告:今欲決戰,尋後兵至圍繞其城,即欲摧破。般遮羅王極生忙怖,王妃聞委,慰諭王言:王不須愁,此五百子皆是吾兒。具陳上事,夫子見母,惡心必安息。妃自登城告五百子說上因緣,如何今者欲造逆罪,若不信皆應張口,妃按兩乳有五百道乳汁各注一口,應時信伏。因即和好各起慈心,兩國交通永無征伐。」 Bàn Già La般遮羅 (còn gọi là Bàn Sa La般沙羅 ) là tên một vị vua thời cổ. Vị vua này tính vốn nhân từ, nên bỏ hết các hình phạt tử hình, chỉ trói tay chân tội nhân rồi thả vào rừng. vương phi của vị vua này sinh ra trứng, sợ đó là việc bất thường, bèn cho trứng vào hòm rồi thả trôi sông. Vua nước láng giềng đang đi thăm sông nước nhìn thấy, liền sai người vớt lên đem về. Trải qua mấy ngày, mỗi trứng nở ra được một người con, nuôi cho lớn khôn, gần xa đều phục, không ai dám địch. Vốn quốc vương hai nước có oán thù với nhau, bèn sai đi đánh. Vua Bàn Già La rất lo. Nhưng vương phi bèn khuyên rằng: ‘nhà vua chớ nên lo lắng, năm trăm người kia đều là con ta. Rồi nói rõ sự tình sau trước, rằng con đã gặp mẹ thế nào cũng nguôi lòng ác. Phi lên thành nói rõ nhân duyên cho các con nghe, nếu như nay vẫn muốn tạo nghịch phản, không tin thì hãy há mồm, Phi bèn ép hai bầu vú, sữa bắn vào mồm năm trăm người con, bấy giờ bọn chúng đều tin ấy là mẹ mình. Từ đó lòng từ mới dấy, mà hai nước mới thôi chuyện chinh phạt. 2. Chuyện Liên Hoa phu nhân sinh 500 trứng trong Tạp bảo tạng kinh Tạp bảo tạng kinh雜寶藏經 :「過去久遠時,雪山有一仙人,名提婆延,婆羅門種。婆羅門法不生男女,不得生天。此婆羅門常於石上小便,精氣流墮石宕,一雌鹿來舐小便處,便有娠。月滿,詣仙人窟下生一女子。蓮華裹其身,自母胎出,端正殊妙。仙人知是己子,取而蓄養。漸長大,腳蹈地處,皆出蓮華。烏提延王遊獵,見是女端正,乞之於仙人。便與王語言當生五百王子。王大夫人甚妒鹿女,其後鹿女不久生五百卵,盛之於篋中。大夫人取五百麵段以代卵處,以此篋擲棄恒河中。王問夫人生何物?答言純生麵段。王言仙人妄語。即下夫人之職,不更見王。時薩耽菩王在下流與諸婇女遊戲,見此篋來取之,於五百夫人,各與一卵。卵自開,中有童子,面目端正。養育長大,各皆有大力士力,建五百力士之幢。後薩耽菩王與烏提延王有隙,五百力士將軍眾伐烏提延王。王恐怖言:一力士猶不可當,況五百力士耶?又思念彼仙人能或解知。詣仙人所,乞攘卻國之大難。仙人言:五百力士,蓮華夫人之子,王今以蓮華夫人,乘大象上,著於軍陣前,彼自然服。即如仙人言:還來懺謝蓮華夫人,莊嚴夫人,乘大白象,著於軍陣前。五百力士舉弓欲射,手不得自然屈伸。時仙人飛來虛空中告諸力士,慎勿舉手,勿生惡心。若生惡心,皆墮地獄。此王及夫人,汝之父母也。母即按乳,一乳作二百五十流,皆入諸子口。即向父母懺悔,皆得辟支佛。二王亦自然開悟,得辟支佛。爾時之仙人即我身是也。」“từ thời xa xưa, vùng Tuyết Sơn có loại tiên nhân, tên là Đề Bà Diên, thuộc nòi Bà La Môn. Luật của Bà La Môn là không sinh trai gái, không được sinh như trời. Loại người Bà La Môn này thường tiểu tiện lên đá, tinh khí chảy xuống đá tảng, một con hươu cái đến liếm phải nước tiểu, liền có thai. Đủ tháng, đến chỗ tiên nhân sinh được một con gái. Hoa sen bọc ngoài thân. Từ khi sinh ra, người con gái ấy đã đoan chính xinh đẹp khác thường. Tiên nhân biết lộc nữ ấy là con mình, bèn giữ lại nuôi nấng. Con gái ấy dần lớn lên, chân giẫm vào chỗ nào, chỗ ấy đều nở ra hoa sen. Vua Ô Đề Diên đi săn, thấy người con gái đoan chính, bèn xin tiên nhân lấy làm vợ. Nói với vua rằng sẽ sinh cho ngài năm trăm vương tử. Vợ cả của vua rất ghen tị. Về sau lộc nữ sinh được năm trăm trứng, bèn giấu vào trong hộp. Vợ cả của vua lấy năm trăm sợi miến đánh tráo năm trăm trứng, rồi vứt hộp trứng xuống sông. Vua hỏi lộc nữ sinh con gì? Trả lời sinh ra toàn miến cả. Vua bảo tiên nhân nói dối, bèn phế lộc nữ, không cho gặp nữa. Khi ấy vua Tát Đam Bồ đang đi chơi với bầy cung nữ ở hạ lưu sông, thấy chiếc hộp bèn đem về giao cho năm trăm phu nhân, mỗi người một quả trứng. Trứng tự nở, trong có đồng tử, mặt mũi đoan chính. Bèn nuôi khôn lớn, ai nấy đều thành đại lực sĩ, bèn làm cho năm trăm căn phòng. Sau vua Tát Đam Bồ có hiềm khích với vua Ô Đề Diên, bèn sai năm trăm tướng lực sĩ đến đánh Ô Đề Diên. Ô Đề Diên sợ nói: một lực sĩ còn chưa đánh nổi, huống hồ là năm trăm? Lại nhớ ra là tiên nhân kia có thể lo giải được. Bèn đến chỗ tiên nhân, xin trừ giúp đại nạn nước nhà. Tiên nhân nói: năm trăm lực sĩ đều là đều là con của Liên Hoa phu nhân, vua nay đem Liên Hoa phu nhân lên trên voi lớn, đưa ra trước trận tiền, chúng tự nhiên khuất phục. Vua bèn như lời tiên nhân: về tạ lỗi với Liên Hoa, cung kính phu nhân rồi cho cưỡi một con bạch tượng lớn dẫn ra ngoài trận. Năm trăm lực sĩ giương cung định bắn, tay tự nhiên co gập lại. Khi ấy, tiên nhân bay đến, nói với đám lực sĩ rằng, cẩn thận chớ động thủ, chớ sinh lòng ác. Nếu sinh lòng ác, thì đều đọa xuống địa ngục. Vua và phu nhân kia đều là cha mẹ các ngươi vậy. Liên Hoa bèn ép vú, thành hai trăm năm mươi dòng sửa bắn vào mồm các con. Chúng bèn sám hối trước mặt cha mẹ, đều được làm Tì Chi Phật. Hai vua từ ấy tự nhiên khai ngộ, cũng được làm Tì Chi Phật. Tiên nhân khi ấy chính là thân ta (Phật) vậy ” 3. Chuyện sinh trăm trứng trong sách Lục độ tập kinh 昔有獨母為理家賃。守視田園。主人有徨。餉過食時。時至欲食沙門從乞。心存斯人。絕欲棄邪厥行清真。濟四海餓人不如少惠淨戒真賢者。以所食分盡著缽 中。蓮華一枚著上貢焉。道人現神足放光明。母喜歎曰。真所謂神聖者乎。願我後生百子若茲。母終神遷應為梵志嗣矣。其靈集梵志小便之處。鹿舐小便即感之生。 時滿生女。梵志育焉。年有十餘。光儀庠步。守居護火。女與鹿戲。不覺火滅。父還恚之。令行索火。女至人聚。一躇步處一蓮華生。火主曰。爾遶吾居三匝。以火 與爾。女即順命。華生陸地圍屋三重。行者住足靡不雅奇。斯須宣聲聞其國王。王命工相相其貴賤。師曰。必有聖嗣傳祚無窮。王命賢臣娉迎禮備。容華奕奕。宮人 莫如。懷妊時滿生卵百枚。后妃逮妾靡不嫉焉。豫刻芭蕉為鬼形像。臨產以髮被覆其面。惡露塗芭蕉以之示王。眾妖弊明。王惑信矣。群邪以壺盛卵。密覆其口投江 流矣。天帝釋下以印封口。諸天翼衛。順流停止。猶柱植地。下流之國。其王於臺遙睹水中有壺流下。暐輝光耀似有乾靈。取之觀焉。睹帝印文。發得百卵。令百婦 人懷育溫煖。時滿體成。產為百男。生有上聖之智。不啟而自明。顏景跨世。相好希有。力幹勢援。兼人百倍。言音之響有若師子之吼。 “Xưa có mẹ góa, làm thuê cho một nhà giàu, trông coi vườn ruộng. Người chủ có việc, cho ăn quá giờ. Đến lúc định ăn, sa môn tới xin. Lòng nghĩ: "Người này dứt dục bỏ tà, nết hạnh thanh chân. Cứu người đói bốn biển không bằng cúng một chút cho bậc chân hiền giới hạnh thanh tịnh". Bèn đem phần ăn để hết vào và một cành hoa sen để lên bát mà dâng. Đạo nhân hiện thần thông, phóng ra ánh sáng. Người mẹ vui vẻ khen: "Đây đúng là bậc thần thánh sao? Nguyện tôi sau này sinh được một trăm người con như vậy". Mẹ goá chết, hồn đi, muốn làm con nối dõi người phạm chí, nên hồn tụ lại chỗ tiểu tiện của phạm chí. Con nai liếm tiểu tiện, liền cảm thụ thai. Mãn ngày, sinh một bé gái. Phạm chí nuôi nấng, lúc hơn mười tuổi, mặt mày sáng rỡ, dáng vẻ yêu kiều, ở nhà giữ lửa. Cô chơi với nai, không ngờ lửa tắt. Cha về giận dữ, sai đi xin lửa. Cô đến xóm người, mỗi bước mọc một hoa sen. Người chủ có lửa nói: "Cô đi ba vòng nhà ta, ta sẽ lấy lửa cho cô. Cô đi theo lời, hoa mọc trên đất quanh nhà ba vòng. Hành giả nghỉ chân, không ai không lấy làm lạ. Phút chốc tiếng đồn đến tai quốc vương. Vua sai thầy tướng xem tướng sang hèn. Thầy nói: "Ắt có con nối giòng thánh truyền ngôi vô cùng. Vua sai hiền thần đủ lễ rước về. Mặt hoa đẹp đẽ, cung nhân không ai bằng. Mang thai đủ ngày, sinh ra một trăm cái trứng, hoàng hậu cung phi cho đến tì thiếp không ai là không ghét. Bèn chặt cây chuối khắc hình tượng quỉ, đợi khi sinh, lấy tóc phủ lên mặt, bôi nước bùn dơ lên cây chuối rồi đem trình vua. Bọn yêu che sáng, vua lầm tin theo. Lũ tà lấy hũ đựng trứng, bịt kín miệng lại, quăng xuống giòng sông. Trời Đế Thích xuống lấy ấn đóng miệng lại, chư thiên theo giữ, xuôi dòng dừng lại như trụ cắm đất. Vua nước hạ lưu đang ở trên đài, xa thấy giữa dòng có hũ trôi xuống, ánh sáng rực rỡ, như có oai trời. Bèn vớt lên xem, thấy dấu ấn Đế Thích, mở có trăm trứng, ra lệnh trăm người đàn bà ấp nuôi ấm nóng. Đủ ngày thành hình, nở ra trăm người con trai, sinh ra đã có trí thượng thánh, không dạy mà vẫn tự biết, nhan sắc hơn đời, tướng tốt hiếm có, tài cán thế lực hơn người trăm lần, tiếng nói vang như sư tử rống. Vua liền sắm đủ một trăm voi trắng, yên cương bảy báu, để cho con thánh nối dòng, khiến đi chinh phạt lân quốc. Bốn phương hàng phục, đều đến xưng thần. Lại đi đánh nước mình sinh ra. Cả nước lớn bé không ai là không run sợ. Vua hỏi: "Ai có khả năng chống lại lũ địch này?". Phu nhân nói: "Đại vương đừng sợ, hãy xem quân địch từ đâu, công thành hướng nào thì đến đó dựng đài quan sát. Tôi sẽ vì vua mà hàng phục chúng. Vua liền ra xem quân địch từ đâu, rồi cho dựng đài. Người mẹ lên đài, cất tiếng nói: "Tội lớn phản nghịch có ba. Không xa bọn tà, đời sau chịu tội, đó là một. Sống không biết cha mẹ, làm ngược hiếu hạnh, đó là hai. Ỷ thế giết cha mẹ, độc ác với ba ngôi báu, đó là ba. Ôm giữ ba nghịch, ác ấy không gì che nổi, các ngươi há miệng, chứng cớ hiện ngay". Người mẹ nắm vú mình, trời khiến sữa bắn, khắp miệng trăm con. Cảm sự tinh thành, uống sữa lòng buồn. Tất cả đều nói: "Đây chắc mẹ ta". Nước mắt ràn rụa, chắp tay bước lên, cúi đầu hối lỗi. Mẹ con mới gặp, không ai là không khóc lóc. Hai nước hòa thuận, tình hơn anh em, tám phương vui mừng, không ai là không khen hay. Các con thấy đời vô thường như huyễn, giã từ cha mẹ học đạo, xa đời dơ bẩn. Chín mươi chín người con đều chứng Duyên giác. Một người trị nước. Vua cha băng hà, bèn lên làm vua, đại xá các tội, phá bỏ lao ngục, san bằng hào ải, miễn tha tôi tớ, an ủi người hiếu đễ, nuôi dưỡng kẻ cô độc, mở kho tàng bố thí lớn, tùy ý dân muốn mà cho, lấy mười điều thiện làm phép nước, mọi người đều vâng đọc, nhà có con hiếu, dựng chùa lập tháp, cúng dường sa môn, đọc kinh luận đạo, miệng không bốn ác, độc dữ tiêu hết, thọ mệnh càng dài. Thiên đế nuôi giúp như cha mẹ nuôi con. Phật bảo các sa môn: "Người ở lại làm vua là thân ta. Vua cha nay là Bạch Tịnh, mẹ là Xá Diệu". Hạnh thương cho vô bờ của Bồ tát, bố thí như vậy. (Bản dịch của Lê Mạnh Thát) 4. Chuyện sinh từ bọc thịt và trứng trong Nhật Bản linh dị ký Nhật Bản linh dị ký chương mười chín ghi chuyện sau: 產生肉團之作女子修善化人緣:  肥後國八代郡豐服鄉人,豐服廣公之妻懷妊,寶龜二年辛亥冬十一月十五日寅時,產生一肉團.其 姿如卵.夫妻謂為非 ,入笥以藏置之山石中.逕七日而往見之,肉團殼開,生女子焉.父母取之,更哺乳養.見聞人,合國無不奇.經八箇月,身俄長大,頭頸成合,異人無顊.身長三 尺五寸.生知利口,自然聰明.七歲以前,轉讀法華八十華嚴.默然不逗.終樂出家,剃除頭髮,著袈裟,修善化人.無人不信.其音多出,聞人為哀.其體異人, 無膣無嫁.膣,底本作門中也字.唯出尿有竇.愚俗呰之,號曰-猴聖.時託磨郡之國分寺僧,又 豐前國宇佐郡之矢 田大 寺僧二人,嫌彼尼言:「汝是外道.」啁呰嬲之. 人自空降,以 將棠僧.僧恐叫終死也.大安寺僧-戒明大德,任彼筑紫國府大國師之時,寶龜七八箇年比頃,肥前國佐賀郡大領-正七位上-佐賀君-兒公,設安 居會.請戒明法師令,講八十華嚴之時,彼尼不闕,坐眾中聽.講師見之,呵嘖之言:「何尼濫交?」尼答之言:「佛平等大悲,故為一切眾生,流布正教.何故別 制我?」因舉偈問之,講師不得偈通. 高名智者怪之,一向問試.尼終不屈.乃知聖化,而更立名號-舍利菩薩.道俗歸敬,而為化主.昔佛在世時,舍衛城須達長老之女-蘇曼,所生卵十枚,開成十 男,出家皆得羅漢果.迦毘羅衛城長老之妻,懷妊生一肉團,到七日頭,肉團開敷,有百童子.一時出家,而百人俱得阿羅漢果.我聖朝所彈壓之土,有是善類.斯亦奇異之事矣. “Vợ của Toyobuku no Hirogimi, người thôn Toyobuku huyện Yatsushiro tỉnh Higo mang thai, vào khoảng giờ Dần ngày 15 tháng một mùa Đông năm Tân Hợi, niên hiệu Hoki thứ 2 (771), sinh ra một cục thịt. Cục thịt sống như một quả trứng chim. Ông bà cho là điềm chẳng lành bèn cho vào trong rọ tre, giấu vào hòn đá trong núi. Bảy ngày sau quay trở lại xem thì vỏ ngoài bọc thịt vỡ ra sinh ra một cô con gái. Hai ông bà bèn bế đưa bé lên cho bú sữa và nuôi nấng cẩn thận. Mọi người trong tỉnh nghe thấy chuyện đó ai cũng cho à chuyện lạ. Mới qua tám tháng mà cô bé lớn bổng lên. Đầu sát với thân, không có cổ như người thường, thân to gần ba thước năm tấc. Sinh ra vốn là người ăn nói hoạt bát, thông minh, chưa được bảy tuổi mà đã đọc được kinh Pháp Hoa và kinh Bát thập hoa nghiêm , nhưng cô vẫn ặng thinh không hề khoe khang với ai. Cuối cùng cô phát nguyện xuất gia, cắt tóc, mặc áo cà sa, tu hành Phật đạo, giáo hóa chúng sinh, không ai không tin tưởng sự dạy dỗ của cô. Giọng sư ni vang ấm, người nghe ai cũng cảm động. Ni sư cũng có cơ thể khác người thường, không có âm đạo nên không đi lấy chồng, chỉ có một lỗ nhỏ để nước tiểu chảy ra ngoài. Vì thế sư ni bị bọn người xấu cười che gọi là Saruhijiri (hầu thánh). Bấy giờ có hai vị sư, một vị ở chùa Kokubun huyện Takuma và một vị ở chùa Yahata no Daijin huyện Usa tỉnh Buzen đố kị với sư ní, nói: ‘ngươi là kẻ ngoại đạo’ với vẻ khinh miệt nhạo báng. Lúc đó thần thủ hộ Phật giáo giáng xuống, dùng mâu xuyên hai sư. Hai sư tăng này gào thét sợ hãi, cuối cùng lăn ra chết. Lại nói bấy giờ có cao tăng Kaimya ở chùa Daian, nhậm chức Đại quốc sư ở tỉnh lỵ Tsukushi. Vào khoảng năm thứ bảy thứ tám niên hiệu Hoki, ông Saganokimi Kogimi giữ chức Đại lãnh chính thất vị thượng huyện Saga, tỉnh Hizen nhân mở hội Ango mời thiền sư Kaimyo giảng đọc Bát thập hoa nghiêm. Khi đó sư ni lúc nào cũng tới ngồi lẫn trong đám người nghe, thiền sư nhìn thấy liền quở trách: ‘ngươi là ni cô ở đâu, vì sao dám vô phép vào đây?’ Ni cô trả lời: ‘Đức Phật từ bi coi chúng sinh bình đẳng như nhau. Vì tất cả mọi chúng sinh mà hoằng dương chính giáo. Cớ gì thiền sư lại loại trừ riêng con? Sư ni dùng hình thức kệ để hỏi, nhưng thiền sư không dùng được kệ để trả lời. Rất đông các cao tăng ơ đó ai cũng thấy ạ liền hướng về ni cô chất vấn. Ni si tranh uận đến cùng chẳng chịu thua. Sau mới hay ni cô là do đức Phật thay hình đổi dạng thành con người, bèn đặt tên ni cô là Xá Lị Bồ Tát. Sư tăng và tục nhân hết thảy đều quy y sư ni và tôn lên bậc Hóa chủ. Ngày xưa, khi đức Thích Ca còn sống, Tôn Man con gái của bậc Tu đạt trưởng giả thành Xá Vệ sinh ra mười quả trứng. Mười quả trứng vỡ ra thành mười cậu con trai, sau đều xuất gia trở thành bậc Alahan quả. Lại nói phu nhân bậc trưởng giả thành Già Tì La Vệ mang thai sinh ra một bọc thịt, sau bảy ngày vỡ ra thành một trăm người con, sau tất cả đều xuất gia và trở thành bậc Alahán quả. Ngay ở đất nước nhỏ như nắm tay của thánh triều ta (Nhật Bản) cũng có được người như vậy. Đây quả là chuyện lạ.’” 5. Chuyện bọc thịt sinh trăm con trai trong Bách duyên kinh 大正新修大藏经第 04 册 No. 0200 撰集百缘经(六八)百子同产缘:   佛在迦毗罗卫国尼拘陀树下。时彼城中。有一长者财宝无量。不可称计。选择族望。娉以为妇。作倡伎乐。以娱乐之。其妇怀妊。足满十月。生一肉团。时彼长 者。见其如是。心怀愁恼。谓为非祥。往诣佛所。前礼佛足。长跪白佛。我妇怀妊。生一肉团。不审世尊。为是吉凶。唯愿世尊。幸见告语。佛告长者。汝莫疑怪。 但好养育。满七日已。汝当自见。时彼长者。闻是语已。喜不自胜。还诣家中。敕令赡养。七日头到。肉团开敷。有百男儿。端政殊特。世所希有。年渐长大。便共相将…八十种好。光明普曜。如百千日。心怀憘悦。前礼佛足。却坐一面。佛即为其说四谛法。心开意解。各得须陀洹果。即于佛前。求索入道。佛告童子。父母不听。不得出家。时彼童子。 闻是语已。归辞父母。求索出家。父母爱念。不能违逆。将诣佛所。求索出家。佛即告言善来比丘。须发自落。法服着身便成沙门” Phật ở dưới gốc cây Ni Câu Đà nước Gia Tỳ La Vệ. Khi đó trong thành có một vị trưởng giả của báu nhiều không xiết kể, muốn chọn con gái nhà vọng tộc về làm vợ. Nhưng khi gặp một ca kỹ thì mê mẩn không dứt ra được. Người kĩ nữ ấy có mang, đủ mười tháng sinh ra một bọc thịt. Vị trưởng giả thấy vậy trong lòng sinh sầu não, nói đó là điều không lành, bèn đến hỏi Phật. Lạy dài trước chân Phật, rằng: vợ tôi mang thai, sinh ra bọc thịt, nên mới đến hỏi Thế tôn là cát hay hung, chỉ mong thế tôn cho lời chỉ bảo. Phật nói với trưởng giả rằng: ngươi chớ hoài nghi, hãy nên dưỡng dục. Sau đúng bảy ngày, ngươi sẽ tự thấy. Trưởng giả nghe lời ấy, vui mừng khôn kể, quay trở về nhà sai người chăm chút. Sau đúng bảy ngày, bọc thịt nứt ra, có trăm con trai, đoan chính lạ kỳ, trong đời hiếm có. Tuổi dần lớn lên, đều cùng làm tướng… Tám mươi giống tốt, quang minh chiếu khắp, như trăm ngàn mặt trời. Trưởng giả trong lòng vui vẻ, bèn lên lễ Phật Phật bèn phép tứ đế, long khai ý mở, trăm trai ai nấy đều chứng quả Tu đà hằng, liền đến trước Phật, tìm vão cõi đạo. Phật lại bảo đám trẻ, cha mẹ chưa nghe thì chưa được xuất gia. Trăm trai nghe lời ấy, bèn quay về từ biệt cha mẹ, xin cho xuất gia. Cha mẹ tuy thương yêu, nhưng cũng chẳng thể khác được, bèn dẫn chúng đến chỗ Phật, thỉnh cầu xuất gia. Phật bèn cáo cho làm Tỳ Khưu, râu tóc tự rụng, pháp phục choàng thân mà thành sa môn ” PHỤ LỤC II: MỘT SỐ SẮC PHONG Phiên âm: Sắc chỉ Sơn Tây tỉnh Thanh Ba huyện Chính Công xã tòng tiền phụng sự Lạc Vương miếu Chiêu hiển Khải chính Diên hy Thuần Chính Thiên cương chi thần, tiết kinh ban cấp sắc phong, chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức tam thập nhất niên chính trị trẫm ngũ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu, đàm ân lễ long đăng trật. Đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai! Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật (thần sắc thôn Bộ Đầu làng Chính Công tổng Yên Kỳ huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ, TTTS: 14234) Dịch nghĩa: Sắc chỉ cho xã Chính Công huyện Thanh Ba tỉnh Sơn Tây từ trước phụng thờ Thần Chiêu hiển Khải chính Diên hy Thuần Chính Thiên cương tại miếu Lạc Vương, nhiều lần được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng sự. Năm Tự Đức ba mươi mốt chính lúc lễ khánh tiết mừng trẫm ngũ tuần, bèn ban chiếu báu, gia ơn lễ long thăng trật. Đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh và nối dài tự điển của triều đình. Khâm tai! Ngày hai mươi bốn tháng mười một năm Tự Đức thứ 33 (1880) Sách: Phú Thọ tỉnh Cẩm Khê huyện Văn Phú tổng Sơn Nga xã thần sắc AD a 9/6 Phiên âm: Sắc : - Cao Sơn Bảo hộ Thần vũ Uy linh Thùy hưu Diễn phúc Đại Vương - Cao Sơn đàn nàng: Nàng Cả, Nàng Hai, Nàng Ba, Nàng Tư. - Dì Cả, Dì Hai, Dì Ba, Dì Tư, Dì Năm, Dì Út. - Nàng Di, Nàng Mại, Nàng Lương, Nàng Canh. - Hoàng Chủ đô , Nguyễn Chủ đô đẳng Thể phù Kiền kiện; Đạo hợp Khôn trinh. Chung âm dương nhị khí chi giao, cảm tất thông cầu tất ứng; phù miếu xã ức niên chi khánh, thuần nhi đại, xí nhi xương. Doãn phù chiếu nhĩ chi trưng; Cái cử biến vu chi điển. Vi xung nhân: quang thụ- thiện truyền. Kim, Tự vương tiến phong đại vị. Lễ hữu đăng trật, ứng nhất thể gia phong. Khả gia phong: - Cao Sơn Bảo hộ Thần vũ Uy linh Thùy hưu Diễn phúc Khải đễ từ tường Khoan hoằng quảng đại Đại Vương - Cao Sơn đàn nàng: Nàng Cả, Nàng Hai, Nàng Ba, Nàng Tư. - Dì Cả, Dì Hai, Dì Ba, Dì Tư, Dì Năm, Dì Út. - Nàng Di, Nàng Mại, Nàng Lương, Nàng Canh. - Hoàng Chủ đô , Nguyễn Chủ đô đẳng Cố sắc! Vĩnh Khánh nhị niên thập nhị nguyệt sơ thập nhật Dịch nghĩa: Sắc cho: - Cao Sơn Bảo hộ Thần vũ Uy linh Thùy hưu Diễn phúc Đại Vương - Cao Sơn đàn nàng: Nàng Cả, Nàng Hai, Nàng Ba, Nàng Tư. - Dì Cả, Dì Hai, Dì Ba, Dì Tư, Dì Năm, Dì Út. - Nàng Di, Nàng Mại, Nàng Lương, Nàng Canh. - Hoàng Chủ đô , Nguyễn Chủ đô đẳng Thể hợp chất kiện quẻ Kiền, Đạo hòa tính trinh quẻ Khôn. Đúc giao hòa hai khí Âm- Dương, cảm ắt thông, cầu ắt ứng; phò miếu xã ngàn năm phúc tốt, thuần mà lớn, thịnh mà long. Khá phù điềm sáng chiếu trời; Mảng giơ điển chương hạ giới. Vì người dưới: ánh dương soi xuống; ngôi vị truyền cho. Nay, Hoàng tử đã tiến phong ngôi báu. Lễ nên thăng bậc. Nên tất thảy gia phong. Khá gia phong là: - Cao Sơn Bảo hộ Thần vũ Uy linh Thùy hưu Diễn phúc Khải đễ từ tường Khoan hoằng quảng đại Đại Vương - Cao Sơn đàn nàng: Nàng Cả, Nàng Hai, Nàng Ba, Nàng Tư. - Dì Cả, Dì Hai, Dì Ba, Dì Tư, Dì Năm, Dì Út. - Nàng Di, Nàng Mại, Nàng Lương, Nàng Canh. - Hoàng Chủ đô , Nguyễn Chủ đô đẳng Cho nên ban sắc! Ngày mùng mười tháng mười hai năm Vĩnh Khánh thứ hai (1730).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét