Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Từ nguyên của "ngạnh, cành, nghển, nghén,.. "

Trích bài "Từ nguyên một số từ đơn tiết gốc Hán" trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 2011.

Từ nguyên của một số từ có thanh phù cánh 更.

Thanh phù更này được dùng để ghi âm cho nhiều chữ Hán có âm đọc Hán Việt là ngạnh như: 梗, 硬, 骾, 鯁. Các từ này đều đọc theo âm Bắc Kinh hiện đại là /geng3/ hoặc /ying3 /. Trên nguyên tắc tương ứng ngữ âm và tương ứng ngữ nghĩa, chúng ta tạm thời có thể nhận định rằng đây là các nguyên tự của một số từ gốc Hán đơn tiết trong tiếng Việt. Cụ thể như sau. Chữ ngạnh 梗 là nguyên từ của các từ cành, cọng, cậng, cặng, cuộng, cuống , nhánh, nhành , ngành (chi ngành, chi nhánh ) và ngồng . Chữ ngành được ghi bằng chữ Nôm 梗 xuất hiện trong một số văn cảnh sau: gạn gùng ngọn hỏi ngành tra (Kiều, 36b), gạn gùng ngành ngọn cho tường (Kiều, 43b), ngành than ngọn thở nhường quên bóng dời (Hoa tiên, 37b). Chữ nhánh được ghi bằng chữ Nôm 梗 xuất hiện trong một số từ điển cổ như Bá Đa Lộc Bỉ Nhu (1772-1773), Huình Tịnh Của (1895-1896).
Không chỉ có vậy, khi là động từ, nó còn cho ta từ nghển, nghểnh với nghĩa “vươn cổ lên” . Ở một nét nghĩa khác khi là một động từ, từ ngạnh 梗này đồng thời là nguyên từ của nghẽn, tiếng Hán có từ ngạnh tắc 梗塞 , được dịch đối âm tiết sang tiếng Việt là tắc nghẽn . Có điều đáng lưu ý là ở hai nét nghĩa vừa nêu, thì nghĩa phù mộc của chữ ngạnh lại không tương thích với trường nghĩa của từ đang xét. Điều này khiến chúng tôi suy đoán rằng đây là một chữ giả tá dùng thông. Tra từ điển, chúng tôi thấy chữ ngạnh 哽có lẽ là từ gốc, với bộ khẩu trỏ trường nghĩa liên quan đến mồm miệng, ăn uống. Từ điển của Lâm Ngữ Đường ghi nhận rõ như sau: “哽塞 [geng3se4], V.i., be choked and unable to speak” (bực tức không nói ra được: tức nghẹn). Như thế, chữ ngạnh 哽 này có lẽ vốn mang nét nghĩa là “tắc ở cổ họng không phát ra thành tiếng”, mà trong tiếng Việt chúng ta đọc là nghẹn và nghén. Sách Thuyết văn ghi: 哽,语为舌所介也 cạnh: tiếng nói bị lưỡi chặn lại. Thiên Lễ nhạc chí礼乐志 sách Hán thư汉书ghi: 祝哽在前,祝噎在后 chúc ngạnh tại tiền, chúc ngạnh tại hậu (khi đọc lời chúc thánh, thì nghẹn phía trước; khi đọc lời chúc thánh thì nghẹn phía sau). Theo sự ghi nhận của Đại từ điển tiếng Việt, từ nghẹn có hai nghĩa: “đgt. 1. bị tắc trong cổ họng. đang ăn bị nghẹn. nghẹn lời. muốn nói mà giọng nghẹn lại. 2. (Cây) ngừng phát triển không lớn được. Nghẹn đòng.” Trong thuật ngữ y học còn có từ nuốt nghẹn . Nghẹn lại có hình thức láy là nghèn nghẹn, nghẹn ngào, nghẹn tắc, nghẹn ứ. Nghèn nghẹn 哽哽: nghẹn khí, uẩn ức trong lồng ngực. Nghẹn tắc 哽塞 trong tiếng Việt là đảo âm của tắc nghẹn. Nghẹn ứ : Ứ là âm trại của ế噎. Ế và ứ có vị trí cấu âm gần nhau, ứ/ ế 噎có nghĩa là nghẹn, khác với chữ ứ 瘀trong từ ứ máu, khác với ứ 淤trong ứ đọng, ứ bùn, khác với ứ 飫trong no ứ ; như vậy nghẹn và ứ là hai từ đồng nghĩa, cấu trúc của từ kép nghẹn ứ là cấu trúc đẳng lập đồng đẳng giống như từ u minh. Trại âm từ nghẹn sang nghẽn là điều có thể xảy ra trên thực tế. Phương thức biến đổi ngữ âm này trong tiếng Việt đã thay thế cho phương pháp gia cố thanh phù hay dùng phép giả tá trong chữ Hán.
Từ nghén trong thai nghén, ốm nghén trỏ hiện tượng không ăn được hay nôn ọe khi mang thai. Từ nghén sau còn trỏ cả các hiện tượng khác của sản phụ, như hiện tượng thèm ăn, ví dụ: nghén cơm cháy, nghén nước mắm, nghén ốc. Từ nghén còn mở rộng theo trường nghĩa “thèm” như trên, ví dụ: nghén nhạc, có hiện tượng các bà bầu nghén ‘yêu’. Và rộng nhất, nghén còn để trỏ hiện tượng đàn ông ốm thay vợ khi vợ đang có bầu, ví dụ: Các cụ ngày xưa đúc kết ra rằng đàn ông mà nghén thay vợ chứng tỏ người đó yêu vợ rất nhiều và người vợ sau này sinh nở sẽ gặp nhiều may mắn. Thai nghén còn có nghĩa phái sinh trỏ việc nung nấu ý tưởng và cảm hứng để sáng tác nghệ thuật.
Cũng bằng phương pháp gia cố bộ thủ của chữ Hán, chúng ta còn có từ ngạnh硬 (bộ thạch) với nghĩa ban đầu là trỏ độ cứng của đá, sau khi mở rộng nét nghĩa, tiếng Hán có từ kính勁trỏ độ cứng cỏi của sức lực khí tiết con người. Chữ cứng được ghi nhận trong Đại từ điển tiếng Việt (2008) gồm có bảy nét nghĩa. Ngoài ra cứng còn là một từ tố tạo nên một số từ vựng có hai âm tiết như: cứng cát, cứng cỏi, cứng còng, cứng cổ, cứng đầu , cứng cựa, cứng đờ, cứng họng, cứng lưỡi, cứng miệng, cứng ngắc, cứng nhắc, cứng quèo, cứng rắn, cứng hóa (xi măng hóa), cương cứng, cứng đét, cưng cứng, cứng cựng, ổ cứng, phần cứng, đĩa cứng , hàng cứng, độ cứng (độ PH của nước) , tiện cứng, bìa cứng, siêu cứng, cứng tay , nằm cứng , vé cứng, giường cứng, ghế cứng , ngồi cứng, nằm cứng, xơ cứng bì. Một số kết hợp với từ cứng đang có xu hướng trở thành từ vựng cố định, như: chết cứng, xơ cứng, kẹt cứng, hóc cứng, mặn cứng, chát cứng 澀硬, liệt cứng劣硬, tê cứng痹硬, lạnh cứng冷硬, đông cứng凍硬 , nghẹn cứng哽硬 . Có thể thấy các nét nghĩa dẫn thân sau này thường là nghĩa bóng để trỏ sự ương bướng, cố chấp hay sự vững vàng về một khả năng chuyên môn nào đó.
Với âm ngạnh 硬chúng ta có từ ngạnh trực硬直 , cương ngạnh 剛硬 , ngang ngạnh , ngoan ngạnh 頑 硬 , ương ngạnh . Đây có lẽ còn là nguyên từ của từ ngang (ngang bướng, ngang ngược 硬虐 , ngang tàn 硬殘 ) trong tiếng Việt. Ngang còn có một nghĩa dẫn thân khác là “ngang qua”. Từ ngang đi khá sâu vào tiếng Việt, cho ta một số cụm như: ngang phè phè, ngang như cua, nhà ngang, đò ngang 渡硬, xà ngang闒 硬 . Xa hơn nữa, nó có thể là nguyên từ của từ ngáng trong ngáng chân, ngáng đường, ngáng trở.
Cũng bằng cách gia cố bộ thủ, tiếng Hán còn có từ ngạnh鯁 là một danh từ để trỏ xương cá . Đại từ điển tiếng Việt (2008) ghi: “ngạnh dt. 1. mũi nhọn đâm ngang chéo ra, ngược với chiều của mũi nhọn chính để làm cho vật khi mắc khó tuột, giẫy ra được: ngạnh cầu. Chông có nhiều ngạnh. 2. gai xương cứng ở vây, ngực một số loài vật, cá: ngạnh cá trê” [sdd, tr.1099]. Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí từ nguyên thì nên đổi nét nghĩa thứ hai lên trước, bởi nét nghĩa “mũi nhọn quay ngược” ở nét nghĩa thứ nhất là nghĩa dẫn thân, ngay ở nét nghĩa này chúng tôi còn tìm được một số ví dụ cho thấy sự mở rộng nét nghĩa, như một số ví dụ dưới đây: Khóa nòng then xoay trông như cái ngón tay đầu có ngạnh, nếu có nhiều tầng ngạnh thì giống khóa nòng ren cắt của pháo. Tất cả binh lính La Mã đều trang bị 3-5 ngọn lao pilla, đầu có ngạnh tam giác. Cho em hỏi luôn, xe lanos thì dây công tơ mét 2 đầu có ngạnh ngang hay một đầu ngạnh ngang và một đầu ngạnh vuông ạ? Có một biến âm khác của ngạnh trong tiếng Việt, đó là cạnh với nét nghĩa: góc viền dạng chóp nhọn của một vật thể hay hình khối có độ sắc. Với nét nghĩa tương tự như từ ngạnh ở trên, chúng ta có từ ghép sắc cạnh. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (2008) ghi: “cạnh d. 1. chỗ một mặt phẳng tiếp giáp với một mặt phẳng khác trong cùng một vật. Mảnh chai có cạnh sắc. 2. chỗ sát liền bên. nhà ở cạnh đường. đứng cạnh nhau. đặt cạnh lối đi. bên cạnh thành tích còn có một số khuyết điểm. ĐN: mé, rìa. 3. Đoạn thẳng làm thành phần của một hình. hình vuông có bốn cạnh bằng nhau. cạnh của một góc” . Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phân xuất từ này theo các lớp nghĩa như sau. Nghĩa gốc của cạnh 鯁 là cái ngạnh sắc của cá. Từ nghĩa gốc này chúng ta mới có nghĩa phái sinh cấp thứ hai. Đó là cạnh với nét nghĩa “cái mũi nhọn”. Mũi nhọn này có thể là hình chóp tròn, chóp hai cạnh, chóp ba cạnh vuông, hoặc chóp đa cạnh. Từ đó, ta mới có từ cạnh với vài nghĩa phái sinh như dưới đây. Nghĩa thứ nhất, cạnh để trỏ góc nhọn tiếp giáp của ba mặt phẳng chất liệu để tạo nên độ dày của vật hình khối, cạnh này được tạo nên bởi sự tiếp giáp của ba góc 900, đây chính là nghĩa của cụm vuông thành sắc cạnh (là một nét nghĩa có thể biểu diễn bằng hình ảnh ba chiều). Nghĩa thứ hai, cạnh còn trỏ nơi tiếp giáp giữa hai mặt phẳng của chất liệu để tạo thành góc 900 , góc này cũng tạo nên độ sắc nhất định, có thể gây nguy hiểm (đây là một nét nghĩa có thể biểu diễn bằng hình ảnh hai chiều). Tiếp tục phái sinh từ nét nghĩa phái sinh thứ hai, chúng ta có nét nghĩa thứ nhất mà từ điển của Vietlex đã bàn: “chỗ một mặt phẳng tiếp giáp với một mặt phẳng khác trong cùng một vật. Mảnh chai có cạnh sắc”. Thế nhưng ở phần ví dụ, chúng ta thấy lại có một nét nghĩa phái sinh thứ tư mà từ điển trên chưa phân xuất được, đó là “mép sắc của vật”, mép này không nhất thiết được tạo nên từ hai mặt phẳng, mà có thể từ các mặt vỡ, mặt vỉa, mặt tước. Khi rụng đi nét nghĩa “sắc nhọn”, từ cạnh là một từ đồng nghĩa với các từ mép, rìa (chỉ dùng cho vật thể có hình khối), đây là nét nghĩa thứ năm. Nét nghĩa thứ năm này lại phái sinh thêm một nghĩa nữa, để từ cạnh trở thành một phương vị từ, đây chính là nét nghĩa thứ hai được ghi nhận trong từ điển của Vietlex: “chỗ sát liền bên. nhà ở cạnh đường. đứng cạnh nhau. đặt cạnh lối đi.” Có thể định nghĩa lại như sau cạnh là trỏ vị trí ở ngay kề bên mép ngoài, rìa ngoài, cạnh ngoài của một sự vật, hay không gian cụ thể có ranh giới nào đó. Từ nét nghĩa thứ năm này, chúng ta mới có nét nghĩa phái sinh thứ sáu, đó là cạnh là một từ tố trong từ bên cạnh với tư cách là một hư từ, đồng nghĩa với các từ ngoài ra, thêm nữa.
Trong tiếng Việt, chúng ta còn có từ ngạnh 鯁để trỏ loại cá sông da trơn cùng họ với cá lăng, cá trê, cá nheo, cá bò. Cá ngạnh có đầu nhọn bẹt cứng, hai vây hai bên là hai cái xương rất cứng nhọn, đâm rất buốt. Cá ngạnh màu trắng nhợt, thân nhỏ, khác với cá bò thân vàng ruộm và nhỉnh hơn một tí, khác với ca trê to và đen, cá lăng vàng có thân hình lớn và râu dài. Từ điển Chỉ Nam ngọc âm thế kỷ XV có câu: “ngạnh ngư 鯁魚: cá ngạnh rắn xương” . Tiếng Hán có từ ngạnh 骾với bộ cốt với nghĩa chiết tự là xương cứng; ở tiếng Việt chúng ta cũng có từ ngạnh với nghĩa nguyên gốc này mà có lẽ tiếng Hán đã đánh mất, ví dụ: Mẫu tóc tém thích hợp với người có hai bên đầu có ngạnh và phần phía sau đầu hị hóp. Thằng bé lành như đất, nằm bẹp đầu đến nỗi sinh ngạnh.

1 nhận xét: