Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Từ nguyên của chữ XE và các điệp thức của nó



Trần Trọng Dương







Trong tiếng Việt hiện nay có các từ thể hiện số nhiều, hay mức độ nhiều như lắm, nhiều. Trong tiếng Việt lịch sử từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX, chúng tôi còn thấy từ khác là xe. Bài viết này sẽ tiến hành khảo sát các ngữ cảnh của từ XE qua các văn liệu và sự ghi nhận từ điển. Mục đích là tìm hiểu sự xuất hiện biến mất của từ cổ xe, cũng như từ nguyên và những điệp (thức từ gốc Hán đồng nguyên khác) của nó.


1. Khảo về chữ XE


XE là chỉ thấy ghi nhận trong từ điển của Génibrel: “6. Có xe, innombrable, adj”[1] [tr.961]. Các từ điển cổ khác đều không thấy ghi nhận. Ngay cả Gustave Hue vốn tiếp thu khá nhiều mục từ từ điển này cũng không thấy có. Trong văn liệu, từ XE xuất hiện một số lần trong văn cảnh, cụ thể như sau: “Vốn xưa làm Nôm xe chữ kép[2] (CNNA tr75). Mãnh lôi tiếng dậy rầm rầm xe thay [3](CNNA), Long nhãn có hiệu nhãn lồng ngọt xe[4](CNNA), Sãi muốn nói một chuyện xa xa cho Vãi biết, trong kinh chép đã nên xe (Sãi Vãi c.194)” [5]


Về nghĩa, tạm thời có thể phân suất được hai nghĩa như dưới đây: 1.Xe là tính từ chỉ số lượng (xe chữ kép, có xe), bằng với từ nhiều hiện nay. 2.Xe là trạng từ mức độ trong các ngữ cảnh rầm rầm xe thay, ngọt xe, bằng với từ lắm hiện nay. Thú vị là từ điển A. de Rhodes chỉ thấy ghi nhận các từ nhièu, nhèu, dèu, bao deu, bao nheu. Gén cũng ghi nhận từ “nhiều”[6] có nhiều ví dụ dẫn dụng đi kèm.


Tạm đi đến nhận định là: vào thế kỷ XVII-XIX, “xe” hầu như lùi vào “hậu trường” để trở thành một từ cổ. Trong khi đó, “nhiều” là một từ phổ dụng và đã và đang thay thế XE. Nói “hầu như” là vì các tác phẩm từ thế kỷ XVI-XIX không hề thấy XE xuất hiện nữa, nhưng nó bắt đầu “chết” từ lúc nào thì có lẽ nên dè dặt vì không có mặt trong từ điển không nhất thiết có nghĩa là không có mặt trong từ vựng. Như Truyện Kiều 22 lần xuất hiện nhiều[7]. Cư trần lạc đạo đời Trần thấy nhiều xuất hiện 1 lần[8]. Quốc âm thi tập có 15 lần dùng từ nhiêu, và 54 lần từ nhiều[9]. Khóa hư lục giải nghĩa thì nhiêu 14 lần, nhiều 12 lần[10] . Nhưng 2 văn bản được đỉnh bản vào thế kỷ XIX, chắc bị sửa ít nhiều. Phật thuyết một bản dịch có thể được tiến hành vào quãng thế kỷ XII trở về trước, ngôn ngữ khá bảo lưu thì nhiều xuất hiện 11 lần[11] và cũng không thấy xuất hiện XE.


Như vậy, chỉ thấy xe xuất hiện trong 2 tác phẩm, CNNA và Sãi Vãi. CNNA là văn bản tk XVII, và chắc đây là bản trùng san từ một bản cổ hơn. Theo như chứng minh của Ngô Đức Thọ về chữ Húy triều Hồ[12], đây là văn bản khắc in vào đầu tk XV, và bản tk XVII là bản in lại mà không sửa chữa gì nhiều so với bản trước. Sãi vãi là tác phẩm của Nguyên Cư Trinh (1716-1767) Đàng Trong. Vậy tại sao từ xe lại xuất hiện trong tác phẩm này? Như ta biết, Đàng Trong (nhất là vùng Bình Trị Thiên) là vùng phương ngữ cổ của tiếng Việt. Và vùng phương ngữ này vào thế kỷ có thể XVIII vẫn còn lưu giữ từ xe mà ở Đàng Ngoài (Bắc) đã biến mất. Sau đó, từ cuối tk XVIII, từ XE cũng đã biến mất khỏi vùng phương ngữ này.




Còn một vấn đề nữa, tại sao Gén lại ghi nhận được từ XE? Ta biết rằng các nhà truyền giáo có phong cách tiếp thu từ điển của những người đi trước, như A de Rhodes tiếp thu hai cuốn Annamiticium Lussitanum*[13] của Gaspar de Amaral (1592-1646) và Lussitanum Annamiticium* của Antonio Barbosa. Cuốn từ điển Dictionarium Annamitico-Latinum (1838) của Taberd tiếp thu từ Dictionarium Anamitico Latinum (1772) của Bỉ Nhu và A. de Rhodes, Dictionaire Annamite- Chinois- Français (1937) của G.Hue tiếp thu từ Dictionaire Annamite - Français (1898) của Génibrel, và Génibrel lại tiếp thu từ Dictionaire Annamite - Français (Imprimerie de la Mission de Saigon 1877*) của Mgr Caspar. Sự bổ sung các mục từ có thể là được tiếp thu từ những bảng từ chép tay của từng giáo sĩ, đồng thời có cứ liệu thực địa bổ sung và sự tiếp thu mục từ XE của Génibrel có thể là từ một bản thảo chép tay vô danh nào đó từ các thế kỷ trước để lại.


Tạm thời có thể đi đến một số nhận định như sau:

1.XE là một từ đang biến mất/ hoặc đang bị thay thế dần dần bởi từ nhiều vào giai đoạn tiếng Việt cổ (thế kỷ XIII-XVI), và có lẽ biến mất ở Bắc bộ vào giai đoạn tiếng Việt Trung đại XVII-XVIII.

2.Đầu thế kỷ XVIII, XE vẫn còn tồn tại ở vùng phương ngữ Đàng Trong, và sau đó cũng nhanh chóng biến mất.

3.(Giả thuyết) XE là một từ phổ dụng của tiếng Việt tiền cổ vào giai đoạn tk X-XIII.

4.Mục từ XE trong Génibrel có lẽ đã được tiếp thu từ một bảng từ của các giáo sĩ vô danh được khảo sát từ các thế kỷ XVII-XVIII tại vùng phương ngữ Đàng Trong. Trong tình hình tư liệu hiện có chúng ta chỉ tạm có thể đưa ra giả thuyết như trên.




2. Từ nguyên của chữ XE

Với âm XE, chúng ta từng biết đến âm XE trong các từ cái xe, xe cộ, xe pháo mã tốt, tàu xe. XE là âm đọc Tiền Hán Việt trước đời Đường của chữ XA 車. Từ tiền lệ như vậy, chúng tôi thử đặt giả thuyết tương tự cho âm XA đang xét đến ở đây. Kết quả là chúng tôi tìm được chữ XA賒.


XA 賒 có nghĩa là nhiều, nghĩa thứ 5 trong Hán ngữ đại tự điển [14] [đa, phồn đa], ví dụ: Lãng Sĩ Nguyên朗士元trong bài Văn xuy dương diệp giả 聞吹羊葉者 có câu胡馬迎風起恨賒Hồ mã nghinh phong khởi hận xa (ngựa Hồ nghênh gió, hận dấy đầy). Và như thế, có thể tạm đi đến nhận định rằng, XE (nhiều) trong tiếng Việt cổ là một từ gốc Hán đọc theo âm Tiền Hán Việt. Về mặt ngữ âm, chúng ta thấy sự phân biệt / e / < > / a / giữa các âm Tiền Hán Việt với âm Hán Việt, có thể nêu ra một số ví dụ như: chén – trản 盞 ; chèo – trạo 棹 ; hen (ho hen, hen suyễn) – han 鼾, hét – hát 喝[15].


Chữ賒với âm XA đồng thời cũng là một hình vị Hán Việt được du nhập khá sâu vào tiếng Việt, với nghĩa là xa (trái với gần). Đây là nghĩa thứ 3 trong Hán ngữ đại tự điển (dao viễn 遙 遠). Như thế XA賒là một từ Hán Việt đơn tiết trong tiếng Việt hiện nay, chứ không phải là một từ thuần Việt như trước nay chúng ta vẫn hiểu. Đồng thời, XA là một từ đơn tiết trong tiếng Hán cổ đại. Thơ cổ có ví dụ sau: Vương Bột王勃trong bài Đằng Vương các tự滕王閣序có câu: 北海虽賒, 扶摇可接 Bắc hải tuy xa, phù dao khả tiếp (bể Bắc tuy xa, lần theo cũng tới) . Thơ cổ cũng có câu萬里休言道路賒vạn lý hưu ngôn đạo lộ xa (muôn dặm chớ nói rằng đường đi xa). Thêm nữa, XA với nghĩa này còn là một từ tố để tạo nên một số từ song tiết khác cận/ gần nghĩa như xa xôi, xa vời, xa xăm, xa cách, xa lánh, xa tít, xa mù, xa ngái, xa khơi, xa lắc, xa xa, xa hoắc, xa lìa, xa lơ xa lắc, xa mú, xa mú tí tè, xa tắp, xa tít tắp, xa thẳm, xa vắng, xa xưa.


Chữ 賒 còn thông với chữ XA奢 trong “xa xỉ” và có một điệp thức (doublet) cổ là “xe” trong “xe xua” và “xo xe” trong tiếng Nam Bộ, mà vì siêu chỉnh (hypercorrection) nên đã biến thành “se sua” và “so se”. Ngoài ra, XA cũng là một hình vị Hán Việt trong các từ Hán Việt như: “xa hoa”, “xa xỉ” và “kiêu sa” (trại âm từ kiều xa 嬌賒- một từ Hán Việt Việt tạo?, nghĩa là “đẹp sang trọng”).


Chữ賒còn trỏ hành động dùng tiền để mua bán, trao đổi. Trong tiếng Hán có từ sha xiao賒銷 (đọc theo âm Hán Việt là xa tiêu). Vào tiếng Việt, đọc theo âm Quảng Đông thành tiêu xài. Xài cũng vừa là một từ gốc Hán đơn tiết vừa là một từ tố Hán Việt.


Có điều đáng chú ý là, trong các văn bản Nôm, âm XA đôi khi không được dùng bằng tự dạng gốc là 賒, mà được ghi bằng chữ đồng âm khác là 車(xe cộ). Đây là một đặc điểm thường thấy đối với những chữ Nôm ghi âm từ gốc Hán trong các văn bản Nôm thuộc thế kỷ XV-XIX. Điều này thể hiện qua hệ thống chữ Nôm dùng để ghi các từ cổ đọc theo âm Phi Hán Việt, tuy số lượng của chúng không nhiều, nhưng lại là những trường hợp khá thú vị đối với những người quan tâm đến các văn bản Nôm và từ nguyên học.





Từ Liêm 2010



Tác giả: Trần Trọng Dương

Địa chỉ: Viện NC Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội.

Email: trantrongduonghn@gmail.com

[1] J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français (大越國音漢字法 釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định.

[2] Trần Xuân Ngọc Lan, (1985), Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Tr.75.

[3] Trần Xuân Ngọc Lan, (1985), sdd. tr78

[4] Trần Xuân Ngọc Lan, (1985), sdd. tr218

[5] Vương Lộc, (1999), Từ điển từ cổ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng. H.

[6] J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français (大越國音漢字法 釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định. tr560

[7] Đào Duy Anh. Từ điển truyện Kiều.

[8] Hoàng Xuân Hãn.(1978). Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần-Lê: Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. KHXH (Paris) 5-7 91978-1980). tb 1998. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần- Lê, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Nxb Giáo dục. T3: 1091-1095.

[9] Phùng Minh Hiếu. Bảng tra từ vựng trong Quốc âm thi tập (bản thảo), nhân đây xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ tư liệu.

[10] Trần Thái Tông. (2009). Thiền tông khóa hư ngữ lục. Tuệ Tĩnh giải nghĩa, Trần Trọng Dương khảo cứu, dịch và phiên chú. Nxb Văn học & TT Nghiên cứu Quốc Học.

[11] Hoàng Thị Ngọ, (1999), Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh’, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[12] Ngô Đức Thọ, (2005), Thông tin mới nhất về Chỉ nam ngọc âm, T/c Hán Nôm, số 3.2005.

[13] Ký hiệu * biểu thị văn bản đã thất truyền.

[14] Hán ngữ đại tự điển 漢語大字典. Thành Đô xuất bản xã, 1993.

[15] Nhân đây xin gửi lời tri ân đến học giả An Chi, người đã trực tiếp gợi ý, hướng dẫn tôi đi đến nghiên cứu này. Và một số kết quả trong bài viết thực chất là cùng thuộc về ông.

2 nhận xét: