Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

BIỂU TƯỢNG NÚI VŨ TRỤ MERU -TU DI TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ ĐÔNG Á



TS Trần Trọng Dương (Viện NC Hán Nôm)
Tc Nghiên cứu Mỹ thuật. 06/ 2012. tr.23-36.
download: http://mythuatvietnam.edu.vn/index.php/n-ph-m-nghien-c-u-khoa-h-c/item/nghien-c%E1%BB%A9u-m%E1%BB%B9-thu%E1%BA%ADt-s%E1%BB%91-2-42


Mỗi một tôn giáo bao giờ cũng tự xây dựng cho mình một hệ thống tư tưởng mà sở biểu của nó là hệ thống các biểu tượng (symbols) tương ứng. Phật giáo cũng vậy, ngoài việc xây dựng nên vũ trụ quan (một phần quan trọng của hình nhi thượng), tôn giáo này đồng thời cũng đã dựng nên vô số các biểu tượng đa trùng về thế giới trong đó phải kể đến bộ ba biểu tượng: mandala- núi Tu Di và Liên hoa tạng thế giới. Trong đó, núi Tu Di là một mã văn hóa tiếp thu từ Brahman giáo, nhưng đã có những biến đổi sâu sắc khi đi vào hệ thống kinh tạng Phật giáo. Bài viết này sẽ không chỉ đi vào giới thuyết về tính đa trùng, chồng lấn của các biểu tượng này, mà còn tiến hành phân tích các hình thức thể hiện của biểu tượng núi Meru/Tu Di trong văn hóa Việt Nam và Đông Á từ góc nhìn của lịch sử nghệ thuật và biểu tượng tôn giáo.

1. Giới thuyết chung về núi Meru- Tu Di

Trong Brahman giáo, Meru là một dãy núi thần thoại có nhiều đỉnh. Thần Vishnu tối cao ngự trên đỉnh núi cao nhất. Các vị thần khác, tùy theo mức độ đẳng cấp, ngự ở những đỉnh núi cao thấp khác nhau trong dãy Meru. Mặt khác, theo người Ấn Độ cổ, ngọn núi vũ trụ này còn được đặt trên lưng một con rùa vũ trụ gọi là Kurma-avatara. Rùa Kurma là giá đỡ vững chắc của ngọn núi Meru khi thần Deva và Asura tiến hành đánh biển sữa để làm ra Amrita. “Chức năng chống đỡ, đảm bảo sự ổn định của thế gian ấy gắn nó với những vị thần cao nhất: ở Tây Tạng cũng như Ấn Độ, con rùa cõng vũ trụ là hiện thân, lúc thì của một Bồ Tát, lúc thì của thần Vishnu…”[1]

Meru là một biểu tượng có nguồn gốc trong văn hóa Hindu, sau đó ảnh hưởng đến Phật giáo Ấn Độ. Hình ảnh núi Meru, theo sự hoằng dương của hai tôn giáo này, mà truyền nhập khắp thế giới Đông Á, có mặt trong nhiều lãnh thổ quốc gia như Miến Điện, Thái Lan, Indonexia, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Các hệ thống kinh sách cũng đã có nhiều cách mộ tả chi tiết khác nhau về ngọn núi huyền thoại này. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chỉ nêu khái quát qua sự hình dung trong một số kinh sách Phật giáo cũng như một số tư liệu nghiên cứu hiện nay về Phật giáo như Pháp giới an lập đồ, Kinh A Di Đà và Phật tổ thống kỷ[2].








Hình: núi Tu Di. Nguồn: Pháp giới an lập đồ. (Đồ họa)



Hình: núi Meru (văn hóa Ấn Độ). Nguồn: Robert Beer[3]

Tu Di (須彌) là tên một ngọn núi, tiếng Phạn là Meru hay Sumeru[4], còn có tên âm dịch là Tu Mê Lâu (修迷樓), Tô Di Lâu (蘇彌樓), Tu Di Lâu (須彌樓), Di Lâu (彌樓), Tô Mê Lô (蘇迷盧,蘇迷嚧), dịch nghĩa sang tiếng Hán là Diệu Cao妙高, Diệu Quang妙光, An Minh安明, Thiện Tích善積, Thiện Cao善高,… Núi này là trung tâm của một tiểu thế giới. Trong thế giới này, thấp nhất là phong luân, trên là thủy luân, trên nữa là kim luân (hay địa luân), tiếp đến là cửu châu bát hải, gồm các núi Trì Song持雙, Trì Trục持軸, Thiềm Thủy檐水 (Đảm Mộc擔木, Không Phá空破), Thiện Kiến善見, Mã Nhĩ馬耳, Chướng Ngại 嶂礙(Tượng Tỵ象鼻), Trì Biên 持邊(Trì Địa持地), các núi này cao bốn vạn hai ngàn do tuần, do thất bảo hợp thành. Đó là tám núi và tám biển vây chung quanh núi Tu Di, lấy Tu Di làm trung tâm. Núi Tu Di chân cắm sâu xuống nước tám vạn do tuần, nhô lên khỏi mặt nước tám vạn do tuần, đỉnh núi cung điện của Đế Thích (cung trời Đao Lị) cũng rộng tám vạn do tuần[5], ngang sườn núi là các cung trời của Tứ Thiên Vương- bốn vị thần bảo hộ pháp giới. Vây quanh núi Tu Di có bẩy Hương Hải và bẩy Kim Sơn. Ngoài núi Kim Sơn thứ bẩy có Hàm Hải (biển mặn) rộng tám vạn bốn ngàn do tuần, núi vây ngoài biển là Thiết Sơn. Một mô hình tiểu thế giới như vậy gồm tám biển và chín núi, gọi là “cửu sơn bát hải”. Tứ Đại châu (Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hạ Châu, Bắc Câu Lô Châu và Nam Chiêm Bộ Châu- nơi chúng sinh cư trú) nằm ở bốn phương của Hàm Hải. Núi Tu Di cùng nhật nguyệt chiếu khắp bốn châu.

Trên đây là hình dung về một Tiểu thế giới, hợp một nghìn Tiểu thế giới sẽ thành Tiểu thiên Thế giới (gồm nghìn mặt trời, nghìn mặt trăng, nghìn núi Tu Di, nghìn Tứ đại bộ châu, nghìn Tứ đại Thiên Vương, nghìn cung trời Đao Lị,…), họp một nghìn Tiểu thiên Thế giới sẽ là Trung thiên Thế giới (gồm trăm vạn mặt trời, trăm vạn mặt trăng, trăm vạn núi Tu Di, trăm vạn Tứ đại bộ châu, trăm vạn Tứ Đại Thiên Vương, trăm vạn cung trời Đao Lị,…), hợp một nghìn Trung thiên Thế giới sẽ thành Đại thiên Thế giới (gồm mười ức mặt trời, mười ức mặt trăng, mười ức núi Tu Di, mười ức Tứ đại bộ châu, mười ức Tứ đại Thiên Vương, mười ức cung trời Đao Lị,…). Vì thế Đại thiên Thế giới được gọi là Tam thiên Đại thiên Thế giới[6] (chiliocosm).




Hình: “Thiên thế giới đồ”, sách Pháp giới an lập đồ.



Hình: Đại thiên thế giới vạn ức tu di đồ, sách Phật tổ thống kỷ[7].



Hình: Bình đồ núi Tu Di- hoa sen trong hoa sen. Nguồn: Pháp giới an lập đồ.

Với những mô tả như trên, núi Tu Di trong kinh sách Phật giáo được mường tượng như là một đài sen nhô lên từ mặt nước (nhất hoa nhất thế giới). Nhìn trên bình đồ, mô hình thế giới với cửu sơn bát hải vây xung quanh được gọi là mandala, với hình ảnh hoa sen lại nở ra hoa sen, hàm ý Phật tính sinh sinh bất diệt, vô cùng vô tận. Theo Hoa Nghiêm kinh, núi Tu Di là pháp hội của thế tạng hay cõi nước Tịnh Độ của Phật Tỳ Lô Xá Na- chân thân của đức Thích Ca Như Lai. Kinh này cũng nói hoa sen lớn sinh ra từ hương thủy hải, trong hoa sen ấy lại hàm chứa các thế giới nhiều như vô số vi trần, cho nên gọi là Hoa Tạng Thế Giới Hải. Trên Hương Thủy Hải trồi ra đóa sen lớn ngàn cánh, trong đóa sen lớn chứa vô số những thế giới khác nhau nhỏ tựa bụi trần (vi trần), vì thế được định danh bằng tên Hoa Tạng Thế Giới hay Liên Hoa Tạng Thế Giới[8]. Các Đức Phật chứng được Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, dùng tịnh thức chuyển biến ra các thế giới, vì thế cho nên gọi là thế giới chư Phật (tiếng Phạn là “ksetra”, nghĩa là “cõi” hay “cõi nước”). Hoa sen lớn ví như chân như pháp giới, được miêu tả với nghìn cánh hoa, mỗi cánh là một thế giới đức phật Tỳ Lô Xá Na hóa làm 1000 đức Thích Ca ở 1000 thế giới. Mỗi diệp thế giới lại có trăm ức núi Tu Di, và 1000 triệu thế giới, trăm ức cõi Nam Diêm Phù Đề (xem Phạm võng kinh)[9]. Hoa sen mọc trên biển là nơi chư Phật hội tụ được gọi là Liên Trì Hải Hội- tiêu biểu cho sự tập hợp của Phật A Di Đà, chư Bồ tát, các bậc thức giả, Thánh chúng, cùng các thượng thiện nhân đều hội nơi Tây Phương Cực Lạc. Gọi là Liên trì Hải Hội vì số Phật tham dự là vô số, trải dài ra như đại dương trong pháp giới.
2. Núi Meru- Tu Di trong văn hóa Đông Á
2.1. Núi Meru trong nghệ thuật kiến trúc
Như trên đã giới thiệu qua, núi Tu Di là núi trung tâm của thế giới đa tầng (mandala), hình tượng này vốn vay mượn từ hình ảnh núi Meru của Brahman giáo. Trong Brahman giáo, núi Meru được hiện thực hóa bằng các kiến trúc theo mô hình đỉnh núi nhọn, gọi là “sikhara” (đền- núi), cũng như vậy trong Phật giáo gọi là “Stupa” (tháp). Về mặt kiến trúc, sikhara có 5 đỉnh (một đỉnh cao ở giữa và 4 đỉnh nhỏ, thấp vây xung quanh) thể hiện tư tưởng ngũ hướng trong thế giới quan của Brahman giáo. Kiểu kiến trúc này đã có những ảnh hưởng rõ rệt đến kiến trúc kalan Champa[10]. Trong văn hóa Brahman, núi Meru tương ứng với trung tâm của không gian thiêng. Đó là chỗ trú xứ của thần Brahma lại vừa là biểu tượng cho tính thiêng liêng của thần. Về mặt kiến trúc, nơi thờ thần chính là hậu cung của cả khu đền. Hậu cung này được bao bọc bởi các không gian thiêng khác theo hình đồng tâm bao quanh thể hiện chu kỳ của mặt trời và mặt trăng[11]. Quần thể sikhara Khajuraho Ấn Độ là một ví dụ điển hình[12].


Hình: Khajuraho (Ấn Độ), nguồn: internet.



Hình: Không ảnh Angkor Wat, nguồn: internet.

Cụm di tích Angkor ở Campudia gồm Angkor Wat, Angkor Thom (đền Bayon), Tà Kèv, Sambor Prei Kuk[13],… mô phỏng núi Meru. Trong đó, Angkor Wat được xây dựng dưới thời vua Suriya-warman II (1113-1150) có hào nước hình vuông bao bọc, đây chính là một dạng mặt bằng- kiến trúc phong thủy mô phỏng hình ảnh đại dương vũ trụ trong Hindu giáo và Phật giáo. Khu đền chính được xây dựng theo hình mandala, với 5 tháp, tháp chính ở giữa cao nhất tượng trưng cho núi Meru. Chung quanh tháp là bốn hành lang hình vuông với 4 tháp ở bốn góc Đền được chia làm 3 cấp, cấp thứ nhất tượng trưng cho địa ngục, cấp 2 tượng trưng cho mặt đất (địa đàng), cấp thứ 3 tượng trưng cho cõi thiên đàng nơi các vị thần thánh trú xứ. Ngoài ra, đền còn có 7 vòng tượng trưng cho bảy rặng núi vũ trụ, bảy núi này lại lấy núi Meru làm trung tâm. Mỗi tháp có hình dáng nột đóa hoa sen đang nở, ở đây ta lại thấy tính đa trùng của bộ ba biểu tượng núi Tu Di- mandala và hoa tạng thế giới[14].




Hình: Angkor, nguồn: Kenro Izu.

Borobudur ở Magelang, đảo Java của Indonexia là một di tích lịch sử Phật giáo, được xây dựng dưới vương triều Sailendra vào thế kỷ VIII-IX. Người Indonesia gọi nơi này là "Candi Borobudur". Candi là tiếng phiên âm của Caitya (Chaitya, Cetya), nghĩa là "tháp thiêng, đền thiêng", hay có người còn hiểu là “tự viện trên đồi”[15]. “Tổng thể kiến trúc này là một mandala ba chiều mô phỏng một đồ hình vũ trụ như một thế giới hoàn hảo từ truyền thống Kim Cương Thừa”[16]. Đồ hình của ngọn tháp- đền khổng lồ này là sự kết hợp của những lớp đa tầng có đồ hình vuông- tròn. Kiến trúc này là sự hiện thực hóa hình ảnh siêu thực ngọn núi vũ trụ Sumeru[17]. Borobudur gồm có 6 tầng hình vuông tượng trưng cho 6 cõi (trời, người, atula, ngạ quỷ, thú vật, địa ngục), trên đó có 504 tượng Phật. Bên trên cùng của tháp còn có thêm 3 tầng hình tròn, tượng trưng cho tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới), trong đó có 73 tượng Phật lớn, mỗi tượng được đặt trong một khám hình chuông. Theo John Miksic, “các tượng đặt trong khám gợi ý đến hình ảnh các tu sĩ đang tu tập trong hang núi giống như các vị Phật ngự trong các động trên đỉnh núi Sumeru thần thiêng”[18]. Mặt khác, có thể coi ngọn đồi tự nhiên như là một Tu Di vũ trụ, còn đền tháp dựng trên đó là sự cụ thể hóa của các tầng trời tam giới. Đây hẳn là một điểm dị biệt- độc đáo của kiến trúc này. Cùng một thực thể kiến trúc, người ta đã lồng vào đó các nội hàm khác nhau, các tầng khác nhau của cùng một biểu tượng tôn giáo. Ngoài Borobudur, ở Indonexia còn có các tháp nhỏ khác như Candi Kalasan, Candi Sewu, Candi Sari, Candi Plaosan, Candi Prambanan đều có hình dáng mô phỏng ngọn núi vũ trụ Meru[19].




Hình: tháp Borobudur, nguồn: internet.

Trong truyền thống kiến trúc của Tây Tạng, ngôi chùa cổ nhất mô phỏng mandala là chùa Tang Da, được xây dựng vào thế kỷ VIII. Toàn bộ kiến trúc của tự viện này được thiết kế phỏng theo cách mô tả hình thành thế giới trong kinh Phật. Quần thể kiến trúc này hình tròn, trong đặt tượng Già Lam. Điện lớn nhất là Điểu Tư nằm ở trung tâm của chùa, điện này có hình chữ thập chiết góc, tượng trưng cho ngọn núi Tu Di trong vũ trụ quan Phật giáo. Hai bên của chính điện là hai điện Thái Dương và Nguyệt Lượng, biểu tượng cho mặt trời và mặt trăng soi chiếu bên núi Tu Di. Bốn tháp ở bốn góc được tô bốn màu đỏ, trắng, xanh, đen, đây là nơi thờ Tứ Đại Thiên Vương. Vòng ngoài, gồm có 12 tòa Phật điện vây xung quanh biểu thị Tứ Đại Bộ Châu và Bát Bộ Doanh Châu trong đại hải. Hệ thống tường bao ngoài cùng mô phỏng núi Thiết Vi trong một tiểu thế giới[20]. Toàn thể bình đồ của chùa Tang Da hẳn là một dạng mandala trùng phức. Nếu quan sát từ bốn phía, có thế thấy rằng, đây vẫn là một dạng kiến trúc mandala lập thể.



Bảo tháp: hình ảnh khác của núi Tu Di

Trong những giai đoạn xa xưa, các công trình kiến trúc để tưởng niệm đức Phật thường xuất phát từ một dạng ý niệm. Tháp vốn xuất nguồn từ hình ảnh bát úp, biểu tượng y bát của đức Phật. Tháp biến đổi rất đa dạng theo thời gian, theo từng vùng lãnh thổ, và dạng kiến trúc này sau đó đã hòa kết với vũ trụ quan Phật giáo. Vào các nước Đông Á như Trung Hoa, Việt Nam,…stupa về sau đi đôi với kiến trúc tịnh xá, và thường thì nằm ở trung tâm của tự viện. Khái niệm “chùa tháp” là biểu hiện của sự hòa phối các kiểu công trình kiến trúc khác nhau về cùng một đối tượng. Và cao hơn hết, nó biểu hiện cho một lối tư duy về vũ trụ theo nhãn quan của nhà Phật. Tháp là chùa, chùa cũng là tháp. Chùa tháp là các biểu hiện khác nhau của một mô hình phổ quát- mandala vũ trụ. Trong đó, bảo tháp mô phỏng núi vũ trụ Tu Di- cột vũ trụ (cosmic pillar), đó là trụ nối liền giữa trời và đất, và đồng thời là con đường giải thoát[21]. Điều này giải thích vì sao tháp thường chiếm vị trí trung tâm của các tự viện cổ. Những tòa tháp nổi tiếng ở Đông Á có cấu trúc này như tháp Đa Bảo trong chùa Bulguksa (Hàn Quốc) dựng năm 751, Đại Hồng đài tại miếu Tu Di Phúc Thọ (Trung Quốc) dựng năm 1780, điện tháp của chùa Bạch Cư (Trung Quốc) xây dựng năm 1427,...




Hình: Tháp Đa Bảo, Hàn Quốc, nguồn: internet. Dabotap (多寶塔: Đa Bảo tháp). Tháp bốn mặt với bốn lối đi lên từ bốn phía, tầng trên bốn cột đá vuông. Hình dáng đa cấp của nó được phối hợp từ các đồ hình tròn và vuông khá hài hòa, xen kẽ giữa các tầng tháp là các đài sen, ngầm ngụ ý cho ý niệm hoa tạng thế giới. Ngay cái tên của nó cũng đã hiển thị rõ ý niệm về núi Tu Di được tạo tác nên từ các vật chất quý báu như miêu tả trong kinh tạng Phật giáo.

2.2. Núi Meru- Tu Di trong hội họa

Không chỉ hiện thực hóa vũ trụ quan bằng các công trình kiến trúc chiếm lĩnh không gian ba chiều, những dân tộc theo Phật giáo xưa còn có nhiều phương thức hiện thực hóa khác, trong đó phải kể đến hội họa, một sự chiêm nghiệm bằng không gian hai chiều. Chúng ta có thể thấy mô hình của nó được vẽ trong các điện thờ. Các bức bích họa trong các hậu cung thường được dùng để sùng phụng và chiêm bái. Các tác phẩm đồ họa vừa như là một sự chứng minh lại vừa như là những lời tụng giảng bằng hình trong các kinh sách. Trong đó đặc biệt nhất có lẽ là các bức họa tangka của Tây Tạng, một sự thực hành nghệ thuật bền bỉ và tinh tế, nhưng cao hơn thế đó là phương tiện để chứng ngộ và nhập đạo.




Hình : Bích họa núi Meru, Wat Sakhet, Bangkok, Thailand. Nguồn : internet.




Hình: Tu Di sơn đồ, Tây Tạng, đời Thanh. Nguồn: Cát Bố, Dương Điển.

Theo nghiên cứu của Cát Bố và Dương Điển, cách mô tả của Thời luân bộ trong Phật giáo Tạng truyền cho thấy núi Tu Di là trung tâm của mandala vũ trụ. Tư duy vũ trụ quan Phật giáo Mật tông đã có những ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Tây Tạng trong nhiều thế kỷ, ngoài kiến trúc chùa Tang Da, nền nghệ thuật này còn được biết đến với loại hình tranh vẽ đa sắc được định danh là tangka. Hình trên (Tu Di sơn đồ) là một bức tranh tangka dựa trên mô thức tam giới trong vũ trụ quan Phật giáo, phần trên là thiên giới, phần dưới là thể hiện địa ngục và khổ hải (bể khổ: nơi con người ngụp lặn), phần trung tâm là núi Tu Di- cõi cực lạc, tức là một cõi thế giới lý tưởng theo quan niệm nhà Phật. Mô hình tiểu thế giới này được dựng nên từ bốn tầng vật chất (địa luân, hỏa luân, phong luân, không luân). Tu Di được tưởng tượng như là ngọn núi có bốn mặt. Phần chân núi là bốn nền giật cấp hình vuông, phần trên là đỉnh hình tròn vút lên cao. Hai bên sườn núi lại có mặt trời và mặt trăng. Lưng chừng bên sườn núi là nơi trú xứ của Tứ Đại Thiên Vương. Trên đỉnh núi Tu Di lại có 33 cung trời. Trên 33 cung trời lại có Phân thiên, Tri Túc Thiên, Lạc Hóa Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên. Phía trên nữa lại có mười tám trời Sắc giới và bốn trời Vô Sắc giới[22].

2.3. Núi Tu Di: pháp khí lập thể

Trong các nghi lễ cúng dàng, trì tụng của Phật giáo, các pháp khí mô phỏng núi vũ trụ và mandala thường được dùng để tăng trưởng công đức và hoằng dương Phật pháp. Các pháp khí này có thể được đặt trong hay ngoài tự viện. Chất liệu thường là vàng, bạc, đồng, gỗ, sắt, bùn hương, sa thạch. Phương thức thể hiện là đắp, tô, đúc, khắc, tước, đẽo. Đây cũng là một sự hiện thực hóa mô hình vũ trụ trên không gian ba chiều, nó có tính lập thể cảm và hiệu quả không gian nhất định. Có thể hình dung các pháp khí này là một kiểu chùa- tháp thu nhỏ, có chức năng hỗ trợ cho sự gia trì, tu tập.



Hình: Man Trát, đời Thanh, cao 31cm, đường kính 17 cm. Bảo tàng Tây Tạng.

Hình trên là man trát (曼札, hay man đạt 曼達, Meru Yantra), là Meru Yantra, là một loại pháp khí quan trọng của Phật giáo Tạng truyền. Hình thể của man trát mô phỏng ngọn núi Tu Di, gồm có năm tầng, dưới to, càng lên cao càng thu nhỏ dần. Bốn tầng dưới trạm khắc các đồ án bát bảo, thất chính, ngũ diệu dục. Tầng trên cùng đặt pháp luân. Bố cục này thể hiện rõ ý đồ mô phỏng chất liệu của núi Tu Di được mô tả trong kinh Phật, gồm vàng, bạc, đồng, sắt. Man trát này còn được trang trí bằng các loại vàng bạc, châu báu có tính nghệ thuật cao, hiệu quả rất tinh mỹ. Cũng có khi, man trát này chịu ảnh hưởng của Hindu giáo, mà phần đỡ phía dưới là một con rùa vũ trụ. Khi thực hành pháp hội, pháp sư vừa tụng kinh vừa rải các loại ngũ cốc, các hạt đá quý nhiều màu, các loại ngọc như trân châu, mã não,… rải đầy tầng này xong rồi chuyển sang các tầng khác. Các lời chú nguyện và hành vi của pháp sư biểu thị sự tán tụng núi Tu Di- biểu tượng cho đức Phật hay Phật tính đồng thời thể hiện ước nguyện cầu mong cho thân tâm được an lành, thanh tịnh.

Qua những trình bày như trên, chúng ta có thể thấy rằng, hình ảnh núi Tu Di đã có những ảnh hưởng quan yếu đến nghệ thuật Phật giáo Đông Á. Trong đó, những biểu hiện qua các loại hình nghệ thuật là rất đặc sắc và mang lại nhiều giá trị tư tưởng và nhân văn. Hình ảnh núi Tu Di trong ý niệm chỉ có một, là “như như nhất nhất”, nhưng việc hiện thực hóa, cụ thể hóa ý niệm đó thành các hình thức nghệ thuật cụ thể khác nhau lại là những tiếp biến sống động của từng dân tộc, từng quốc gia ở mỗi giai đoạn lịch sử. Đến đây, chúng tôi muốn trình bày thêm về những minh chứng cụ thể để làm rõ hơn nhận định trên qua một số tác phẩm nghệ thuật Phật giáo ở Việt Nam.

3. Núi Meru -Tu Di trong văn hóa Việt Nam

3.1. Núi Meru- Tu Di trong nghệ thuật kiến trúc

Trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay từng tồn tại hai nền văn hóa cổ có những ảnh hưởng đậm nhạt khác nhau từ văn hóa Ấn Độ, đó Champa và Đại Việt. Xét riêng ở biểu tượng núi vũ trụ, Đại Việt và Champa tiếp thu theo hai ngả đường khác nhau, thể hiện rõ qua hai dạng kiến trúc đặc trưng là sikhara hay kalan (đền- núi) của Champa (ngả đường Ấn Độ và các nước Nam Á) và stupa (chùa- tháp) Đại Việt (ngả đường Tây Tạng, Trung Hoa). Các kalan Champa mô phỏng núi Meru được cấu trúc theo ngũ hướng và chia theo các tầng thiên giới của thần linh. Còn stupa Đại Việt mô phỏng núi Tu Di là sự hòa phối các tầng thiên giới với kiến trúc lầu gác Trung Hoa. Đúng như Nguyễn Duy Hinh từng nhận định: « về mặt kiến trúc, stupa tiêu biểu cho Phật giáo, sikhara tiêu biểu cho Bà La Môn giáo »[23].



Hình : kalan Pô Klaung Garai, Phan Rang, nguồn : internet.

Trước tiên là về kiến trúc kalan của người Chàm. Theo nghiên cứu của Nguyễn Duy Hinh, kalan là loại hình kiến trúc càng lên cao càng thu nhỏ lại theo từng tầng, mô phỏng hình tượng núi Meru- núi thiêng có nhiều đỉnh, trong đó các đỉnh nhỏ bám vào một đỉnh lớn ở trung tâm, tạo thành hình khối tứ giác nhọn và bình đồ hình chữ thập (1992 : 78- 81). «Mỗi tầng tháp có bốn tháp nhỏ đứng ở bốn góc tầng. Đó là những sikhara nhỏ bám quan sikhara lớn biểu thị những đỉnh núi nhỏ ở những tầng bậc cao thấp khác nhau của núi Meru»[24]. Theo Trần Kỳ Phương, các kalan Chàm thường có ba tầng, trong đó đế tháp tượng trưng cho thiên giới, thân tháp tượng trưng cho thế giới tâm linh- nơi tín chủ tự thanh tịnh chính mình để có thể tiếp xúc với tổ tiên, hòa nhập với thần linh hay để tâm thức thăng hoa. Và trên cùng, mái tháp là thế giới của thần linh- nơi chư thần hội tụ[25]. Nguyễn Duy Hinh cũng có gợi ý cho rằng, các kalan Champa thuộc loại có tháp góc (kiểu như Mỹ Sơn A1) cùng mô hình với Borobudur và Angkor Wat, «đó là mô hình ngũ điện- mô hình Panchayatanam, tức quần thể năm đền thờ»[26]. Các tháp thuộc kiểu này gồm có Mỹ Sơn A1, Mỹ Sơn B3, Bánh Ít, Cánh Tiên, Thủ Thiện, Nhạn Tháp, Tháp Bà Chính, Pô Klaung Garai, Pô Rômê.




Hình : Bình đồ tháp Bình Sơn, với lớp Tu di phía dưới, nguồn: Henri Parmentier.

Trái với Champa, Đại Việt gần như không có những ảnh hưởng trực tiếp của Brahman giáo. Mà biểu tượng núi vũ trụ ở Đại Việt cùng với các dạng thức kiến trúc tương ứng đã qua một lần khúc xạ của Phật giáo Trung Hoa. Chúng ta biết rằng Đại Việt được biết đến là một đất nước có lịch sử Phật giáo lâu đời. Trong giai đoạn Phật giáo cực thịnh, từ đời Đinh- Tiền Lê đến Lý- Trần, Phật giáo được coi như là một quốc giáo, đến mức Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt- coi nước Việt là xứ sở của đức Đại Cồ Đàm[27]. Tư tưởng, triết lý về vũ trụ quan của tôn giáo này đã có ảnh hưởng sâu đậm ở nhiều bình diện khác nhau trong đời sống cũng như trong nghệ thuật. Trên dưới 200 kinh tràng thời Đinh- Tiền Lê phảng phất trong đó là một sự ăn sâu bám rễ của Mật tông vào đời sống và nghệ thuật cung đình. Đến thời Lý Trần, nghệ thuật Phật giáo đã đạt đến độ mẫu mực. Các chùa tháp phần lớn được dựng lên với sự hoành tráng về quy mô, và tinh vi về nghệ thuật, điều này thể hiện sự thông tuệ đạo pháp của các vị quốc chủ cũng như chư tăng tham chính. Hình ảnh núi vũ trụ Tu Di ở giai đoạn này cũng vì thế mà nảy nở theo những chiều hướng bản địa hóa ở phương diện nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Một số ít công trình còn lại đến nay, hoặc còn thấy qua bi ký – sử sách cho phép chúng ta có thể đi đến nhận định như vậy. Tiêu biểu như cột đá chùa Dạm và kiến trúc một cột chùa Diên Hựu (thường bị/ được gọi là Chùa Một Cột). Dưới đây, chúng tôi xin đi vào phân tích cụ thể như sau về hai công trình này.

Trong bài viết gần đây, chúng tôi có đề xuất rằng, kiến trúc một cột chùa Diên Hựu đời Lý là liên hoa đài[28], song đây là một danh từ xuất hiện vào thế kỷ XVII qua Đại Việt sử ký toàn thư. Về mặt ngôn ngữ, tháp- đài- hay chùa cũng chỉ là các « tướng » khác nhau của một ý niệm tôn giáo, nó vô sai biệt về nội hàm bên trong[29]. Với vị trí trung tâm của kiến trúc một cột trong bình đồ mandala, chúng tôi cho rằng đây là một dạng kiến trúc mô phỏng hình ảnh núi Tu Di[30] dùng để nhiễu Phật (circumanbulation). Ở khía cạnh mỹ thuật tạo hình, như chữ dùng của Chu Quang Trứ đó là một “bông sen nghệ thuật khổng lồ”[31]. Trong đó, đài sen một cột tương ứng với núi vũ trụ. Hai vòng ao thiêng (Bích Trì, Linh Chiêu) tương ứng với Hương Hải Thủy. Các vòng ao còn là biểu trưng đại ý cho bát hải trong vũ trụ. Trong hai ao này hẳn sẽ trồng hoa sen, đó là phỏng theo Liên Trì Hải Hội- một biểu tượng của cõi Niết Bàn. Đúng như Nguyễn Du Chi đã viết trung tâm của các chùa đời Lý thường là các tháp tượng trưng cho núi thiêng Tu Di, bao quanh là những công trình bố trí theo đồ án hình vuông tượng trưng cho bốn đại dương trong thế giới[32].



Hình: Cột đá chùa Dạm.

Về phần trụ (ngó sen), ngoài chức năng chịu lực chính, kết cấu này có thể còn được gia công bởi những mảng miếng chạm trổ các đồ hình thủy ba, cửu sơn, hoặc các tích truyện Phật giáo, tiếc rằng đến nay không còn hiện vật nguyên bản, nhưng dầu sao các trụ Ngọc Hà, kiến trúc một cột Chùa Dạm còn phần nào cho phép chúng ta tưởng tượng và tái lập lại phong cách mỹ thuật thời kỳ này[33]. Về phần tòa sen báu trên đỉnh cột, đây là một kết cấu chịu lực để đỡ bảo điện ở trên đó. Tòa sen này có lẽ có nhiều cánh theo đồ án Hoa Tạng Thiên Diệp như tả trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh. Ở mỗi cánh hoa người ta sẽ cho chạm khắc các đồ án song long hiến châu để mô tả khái niệm biểu trưng Thiên hoa- Thiên thế giới như tòa Tu Di chùa Phật Tích. Quan trọng nhất, tòa điện báu ở trên cùng, nơi đặt tôn tượng Thích Ca Mâu Ni là một hình ảnh trực quan của cung trời Đao Lị- nơi vị Phật này trú xứ. Mô hình gần nhất để phục dựng kiến trúc một cột chùa Diên Hựu có lẽ chính là núi Tu Di tại Ung Hòa cung (đời Thanh, Trung Quốc)[34] và cột đá chùa Dạm. Riêng cột đá chùa Dạm, chúng ta có thể thấy rõ phần chân tháp được gia cố bởi bẩy tầng đá, vừa là để vững chân cột vừa là để phục vụ cho ý đồ mỹ thuật và triết học. Bảy tầng đá khắc hoa văn sóng rải và sóng lừng đó đều mô phỏng các biển trong vũ trụ bọc xung quanh núi Tu Di. Cho nên, trên tầng sóng nước ấy mới có đồ án song long hiến châu, một biểu hiện cho sự quy y Phật pháp.




Hình: Núi Tu Di, đồng, Ung Hòa Cung, đời Thanh (Trung Quốc), nguồn: internet.

Tháp Tu Di

Như trên, chúng tôi cho rằng, các stupa (tháp) ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều chịu ảnh hưởng qua lăng kính khúc xạ của tháp Trung Hoa. Quá trình tiếp biến sau đó ở từng dân tộc đã có những thể hiện cụ thể khác nhau. Ở đây không bàn đến chi tiết, tạm chỉ nêu ra một số nhận xét về tháp Việt Nam.

Nguyễn Duy Hinh từng cho rằng, một số tháp Việt Nam có sự mô phỏng núi Tu Di, mà lưu tích của nó thể hiện qua các lớp Tu Di tọa ở chân mỗi tháp, ông gọi đó là kiểu « tháp tu di tọa»[35]. Chúng tôi đồng thuận với ý kiến của ông, nhưng có điều chỉnh đôi chút về mặt tên gọi. Chúng tôi gọi các loại tháp này là «tháp Tu Di», bởi lẽ ngoài phần «Tu Di tọa » ra, các tháp này có khả năng còn có «đỉnh Tu Di». Ví dụ như, tháp Báo Thiên (Đại Thắng Tư Thiên Tháp) chùa Báo Thiên dựng đời vua Lý Thái Tông (1054-1072). Tháp xây 12 tầng, cao mấy chục trượng, tầng trên cùng gọi là Đao Lị Thiên[36], được làm bằng đồng. Hiện chưa thấy sử liệu nào đề cập đến tượng thờ ở cung này, nhưng chúng ta có thể đoán định là thờ ngẫu tượng Phật. Tầng dưới cùng, theo ghi chép của Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục, có thờ tám vị Kim Cương. Về hình dáng, tháp này là một dạng kiến trúc vươn cao chọc trời tượng hình cho núi Tu Di. Có thể so sánh tháp Báo Thiên với tháp Bích Chi (xd 994-1057) đời Tống, cao 52.4m, chu vi 48.9m, 9 tầng cũng có đỉnh tháp bằng sắt hợp thành từ bát úp, tướng luân, viên quang, ngưỡng nguyệt, bảo châu và có tám đoạn xích sắt do tám vị Kim Cương kéo ra gia cố trên mái tầng thứ chín[37]. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh lại lần nữa, kiểu tháp trên là sự hòa phối của các tầng trời theo quan niệm có nguồn gốc Ấn Độ với kiến trúc lâu các của Trung Hoa. Đúng như Nguyễn Duy Hinh đã viết: “mô hình này biểu hiện núi Tu Di với vô số Phật cư trú trên các tầng núi thiêng. Đó là quan niệm Thiên Phật (nghìn Phật) của trường phái Đại Thừa vật chất hóa.”[38] Tháp tiêu biểu hiện còn là tháp Bình Sơn (tháp Then). Tuy nhiên, có đôi chỗ khác biệt với tháp Báo Thiên, xin được đề cập đến trong dịp khác. ..



Tháp thượng điện[39]: liên trì hải hội- hay thế giới chư Phật

Chùa Việt đời sau với hệ thống các đơn nguyên kiến trúc như thượng điện, nhà trai, hành lang nhiễu Phật, nhà tổ, các tháp tổ. Thượng điện trong đó có một tháp nhỏ thờ một tượng sản phẩm đặc trưng thời Lý Trần, kiểu như chùa Lạng. Trong đó, thượng điện là trung tâm của một ngôi chùa. Cách bố trí của ngôi chùa Việt theo kiểu nội công ngoại quốc cũng là một sự mô phỏng mandala thế giới. Phần cuối của lối kiến trúc chữ Đinh hay chữ Công là một dạng mô phỏng saitya, nơi đó đặt tháp thượng điện và có khi được dùng để chạy đàn. Về bản chất, tam bảo cũng là một dạng thức hiện thực hóa thế giới niết bàn, trong đó các tượng Phật đều ngồi trên một tòa sen báu- một núi Tu Di hay một tiểu thế giới, nên được gọi là Tu Di đài.




Hình: Tu Di đài chùa Phật Tích, ảnh: T.L

Tu di đài (Tu di đàn, Tu Di tọa) là phần chân phía dưới để đỡ tôn tượng chư Phật và Bồ Tát[40]. Trong nhiều nền văn hóa Phật giáo, Tu Di tòa có những hình ảnh khác nhau tùy thuộc vào sự sáng tạo của các nhà điêu khắc. Ở Việt Nam, Trung Hoa và một số nước khác, hình ảnh Tu Di tọa có khi còn giản hóa thành một tòa sen báu- nơi Phật ngự, điều này cũng dễ hiểu bởi lúc này núi Tu Di đã được thể hiện dưới một điệp thức biểu tượng “hoa sen” (nhất hoa nhất thế giới). Hình trên là Tu Di tòa thời Lý tại chùa Phật Tích. Bệ tượng này được chia thành ba phần. Phần dưới cùng là bảy tầng sóng nước (sóng rải, sóng lừng xen kẽ), hoặc cũng có thể là sự chen đôi nhịp nhàng của bảy tầng nước và bảy tầng núi. Phần trên là hai cấp đa giác, mỗi một mặt được tạc hai hình rồng ngậm hỏa châu, con hạ đầu con cất đầu, nối đuôi nhau thành vòng tròn miên viễn. Hai nếp giật cấp tạo ra các mặt phẳng trống ở phía trên, các nghệ sĩ đã thỏa tài đao bút mà tạc lên đó các họa tiết hoa cúc mãn khai với nhiều tầng cánh đồng tâm. Các hoa cúc này lại được bọc bởi các họa tiết hoa man tinh mỹ khác. Phần thứ ba là tòa sen báu có ba lớp cánh, hai lớp dưới theo thế úp bối (phúc liên), nhẹ nhàng như một nét bút ý trong thảo thư để chuyển tiếp giữa hai khối, lớp cánh sen chính (ngưỡng liên) tỏa ra đều đặn với chóp cánh vuốt cong dịu dàng. Bên trong mỗi cánh lại được đặc tả bởi đồ án song long hiến châu. Đây là một đồ án đặc trưng và phổ biến của mỹ thuật Lý Trần. Cận cảnh của hai hỏa châu ở giữa đôi rồng là các tầng lửa bao quanh, dưới cùng của tầng lửa là tòa sen, trên mỗi tòa sen lại có một đức Phật ngồi theo thế kiết già. Đồ án này cho thấy ý tưởng nhất diệp nhất thế giới qua nghệ thuật điêu khắc. Qua những mô tả như trên, có thể thấy, Tu Di tòa chùa Phật Tích đã kết hợp các hình ảnh khác nhau của mandala vũ trụ- mandala hoa sen mà trung tâm cao nhất của nó chính là nơi trú xứ của Đức Phật[41].

Trên đây, bài viết đã giới thiệu qua về hình tượng núi Tu Di từ kinh sách Phật giáo, cũng như núi Meru có nguồn gốc từ Hindu giáo. Vũ trụ quan của nhà Phật tồn tại một cách như nhất trong các kinh sách Phật giáo, trong sự quán tưởng của những người tu hành. Nhưng những biểu hiện của nó trong đời sống tôn giáo và nghệ thuật thì vô cùng phong phú ở từng dân tộc, từng quốc gia, trên cả hai bình diện không gian và thời gian. Với trường hợp núi Tu Di (Meru), biểu tượng núi vũ trụ này đã được áp dụng cho nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Đó là mô hình lý tưởng để con người ngưỡng vọng, chiêm bái, gia trì và tu tập. Từ đó, núi Tu Di được coi như là một bản thiết kế lý tưởng cho các tác phẩm hội họa (tangka Tây Tạng, taima mandala Nhật Bản, đồ họa cổ Việt Nam, Trung Quốc), cho các công trình kiến trúc- điêu khắc (để xây dựng chùa, tháp, đền, thậm chí cả kinh đô của một quốc gia). Riêng ở Việt Nam, biểu tượng núi Tu Di cũng đã có những ảnh hưởng nhất định đến hệ thống Phật tòa và Tam bảo tại các chùa chiền tự viện, đồng thời đã có những lưu tích văn vật rõ rệt trong kiến trúc chùa tháp- ít nhất 1000 năm trở lại đây. Đáng kể nhất, dạng kiến trúc một cột thời Lý mô phỏng hình tượng ngọn núi vũ trụ này, vừa như là một biểu hiện hào hùng cho phong cách thời đại, lại vừa như là minh chứng tinh tế cho bản sắc văn hóa của người Việt trong quá trình tiếp xúc và tiếp biến.





[1] Jean Chevalier và Alain Gheerbrant.1997. Từ điển biểu tượng văn hóa thế thế giới. Nxb Đà Nẵng. tr. 784.

[2]燕山沙门 仁潮 (集录)。萬曆丁未仲秋 (1607). 法界安立圖. 卍新纂續藏經 Vol. 57, No. 972. Bản ở Việt Nam có Pháp giới an lập đồ, khắc năm Bảo Thái Giáp Thìn (1724), khắc lại năm Minh Mệnh 2 (1822), sách do Sa di Như Sơn chùa Tường Quy biên tập, tàng bản tại chùa Bà Đá (Hà Nội). Nội dung: sách nói về sự cấu thành của vũ trụ theo quan niệm Phật giáo, ngoài ra có 15 đồ hình minh họa.

Phật tổ thống kỷ. (nguyên sách Trung Quốc). Phúc Điền hòa thượng tái tẩm, ván in hiện lưu tại chùa Liên Phái (Hà Nội), và Viện NC Hán Nôm (ký hiệu: AC.528/1-7. Tham khảo thêm Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược. (1999, tb.2011). Đồ họa cổ Việt Nam. Nxb Mỹ Thuật. Hà Nội.

[3] Robert Beer. 2003. The Handbook of Tibetan Buddhist Symbols. Serindia Publication, INC PO Box 10335. Chicago, Illinois. p.86.

[4] Xem thêm Hà Văn Tấn. 1997. Cột kinh Phật thời Đinh thứ hai ở Hoa Lư. Trong “Theo dấu các văn hóa cổ”. Nxb KHXH. Hà Nội.tr. 822.

Robert Beer . 2003. The Handbook of Tibetan Buddhist Symbols. Serindia Publication, INC PO Box 10335. Chicago, Illinois. P. 82.

[5] Cũng có một số kinh sách ghi là 84000 do tuần.

[6] Về vũ trụ quan Phật giáo, chúng tôi thảm khảo các sách dưới đây. Đoàn Trung Còn. tb2008. Phật học từ điển. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tr.1173. Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách. 1999. Từ điển Phật học. Nxb Thuận Hóa. Huế. Tr.466.

.

王志远 (主编). 玉海林 (著). 1992. 三千大天世界—关于佛教宇宙论的对话. 今日中國出本社。北京。

Về việc cúng dàng trong đàn tràng vũ trụ xin xem罗伯尔.萨耶(法)。印度-西藏的佛教密宗。耿昇 (譯).中國藏學出本社。Pp.240-243.

[7] Nguồn Phan Cẩm Thượng vcs. 2011. sdd. Xem thêm Phật tổ thống kỷ phần Thế giới danh thể chí (tr.6).

[8] Xem thêm Kim Cương Tử. 1998. Từ điển Phật học Hán Việt. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.504, 663.

[9] Xem thêm Kim Cương Tử. sdd. tr.504.

[10] Tham khảo Nguyễn Duy Hinh. 1992. Tháp cổ Việt Nam. Nxb KHXH. Hà Nội. tr. 78-79.

[11] Jean Chevalier và Alain Gheerbrant.1997. Từ điển biểu tượng văn hóa thế thế giới. Nxb Đà Nẵng. tr.557.

[12] Krishna Deva. 1975. Khajuraho. Niu Delhi.

[13] Maud GIRARD-GESLAN etc. 1994. L’Asie du Sud- Est. Citadelles and Mazzenod. P.152-199.

[14] Xem thêm về Angkor Thom và đền Bayon trong Meher McArthur.2005. Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo. Phan Quang Định dịch. Nxb Mỹ Thuật. Hà Nội. tr.257-258.

[15] Meher McArthur.2005. Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo. Phan Quang Định dịch. Nxb Mỹ Thuật. Hà Nội. tr.259.

[16] Meher McArthur.2005. Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo. Phan Quang Định dịch. Nxb Mỹ Thuật. Hà Nội. tr.23, 259.

[17] John Miksic. 1990. Borobudur- Golden Tales of the Buddhas. Periplus Editions, Berkelley- Singapore. Tr.48.

[18] John Miksic. 1990. sdd. tr. 48.

[19] Jacques Dumarçay. Repr.1991. Borobudur. Michael Smithies translate and edit. Singapore, Oxford University Press- Oxford New York. P.47-56.

[20]吉布,楊典.2006. 唐卡中的曼荼罗.陕西师笵大学出版社. 頁262.

赵朴初(倡编),周绍良(主编). 2006.《梵宫:中国佛教建筑艺术》. 上海辭書出本社。上海。226-228頁. 霍巍. 1998. 西藏西部佛教石窟中的曼荼罗与东方曼荼罗世界. 中国藏学. 03/ 1998. 111頁; 陈履生. 1995. 西藏寺廟。人民美術出本社。北京。III-VI 頁.

[21] Meher McArthur.2005. Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo. Phan Quang Định dịch. Nxb Mỹ Thuật. Hà Nội. tr.216.

[22]吉布,楊典.2006. 唐卡中的曼荼罗.陕西师笵大学出版社. 頁.14.

[23] Nguyễn Duy Hinh. 1992. sdd. tr. 78.

[24] Nguyễn Duy Hinh. 1992. sdd. tr. 80.

[25] Trần Kỳ Phương. 2011. Khảo luận về kiến trúc Đền- Tháp Champa/ Chiêm Thành tại miền Trung Việt Nam. Tc Nghiên cứu Mỹ Thuật. Hà Nội. 2(38). 6/2011. tr.16.

[26] Nguyễn Duy Hinh. 1992. sdd. tr. 97.

[27] Trần Trọng Dương. Khảo về Đại Cồ Việt- nước Việt- nước Phật giáo. Tc Hán Nôm số 02/2009.tr.53-75, 22 trang.

[28] Trần Trọng Dương. Chùa Một Cột không phải là chùa! Tc Tia sáng, số tháng 04/2012. tr.50-52.

[29] Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn nnc Phan Cẩm Thượng đã có ý kiến định hướng cho chúng tôi về vấn đề này.

[30] Trần Trọng Dương. 2012. Từ thế giới quan Phật giáo khảo về kiến trúc mandala chùa Diên Hựu thời Lý. (bản thảo)

[31] Chu Quang Trứ. 2003. Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam. Nxb Mỹ Thuật. Hà Nội. tr.66.

Xem thêm Thích Minh Tuệ. 1993. Lược sử Phật giáo Việt Nam. Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh. Phật lịch 2536. tr.189.

[32] Nguyễn Du Chi. 2001. Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông. Nxb Mỹ Thuật- Viện Mỹ thuật. Hà Nội. tr. 22.

[33] Nguyễn Hùng Vĩ. 2001. Quan sát cột đá Chùa Một Cột ở núi Dạm. Trong “45 năm khoa Văn học 1956-2001”. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 583-593. Xem thêm Nguyễn Đức Nùng (chủ biên). Sdd. tr.32.

[34] Nhân đây xin cảm ơn anh Trần Hậu Yên Thế đã cung cấp cho tôi tài liệu này

[35] Nguyễn Duy Hinh. 1992. sdd. tr.32-35

[36] Nguyễn Bá Lăng. 1972. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Viện Đại học Vạn Hạnh. Sài Gòn. Tr.65.

[37] Hân Mẫn, Thông Thiền (biên dịch). 2002. Từ điển thiền tông Hán Việt. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Tr.61.

[38] Nguyễn Duy Hinh. 1992. sdd. Tr.44.

[39] Khái niệm này do Nguyễn Duy Hinh đặt ra. Cụ thể xin xem Nguyễn Duy Hinh. 1992. sdd.tr.61-64.

[40] 丁福保。佛學大辭典(下)。上海書店。1991. 2250頁

[41] Tham khảo thêm. Đào Xuân Ngọc. Những khảo cứu mới về phong cách và niên đại của ba pho tượng Tam Thế Phật của Ngọc Khám. NC Mỹ Thuật. 4(40), 12/2011. tr.22-37.

5 nhận xét:

  1. add có thể cho em hỏi, cuốn sách kiến trúc một cột thời Lý mua ở đâu được không ạ, em đã tìm rất nhiều hiệu sách trên địa bàn Hà Nội và một số hiệu trong TPHCM chưa có cuốn sách này

    Trả lờiXóa
  2. TS. Trần Trong Dương có những bài viết thật hay, có ai có những tài liệu gì của chú ấy khộng ạ

    Trả lờiXóa
  3. TS. Trần Trong Dương có những bài viết thật hay, có ai có những tài liệu gì của chú ấy khộng ạ

    Trả lờiXóa
  4. Tại sao quí ngài lại hoàn toàn dựa vào kiến thức của Phật Giáo Bắc Tông để diễn giải ngược Ấn Độ Giáo (Hindu, hay Brahman)? Nên lưu ý về mốc thời gian rằng Phật Giáo Bắc Tông được sáng tạo thêm ra từ thời Đường, dựa vào kiến thức của Phật Giáo nguyên thủy (Nam Tông). Truy tiếp nguồn thì lại từ nền văn minh Indus và kinh Vệ Đà. Vui lòng kiểm chứng và đính chính. Thân mến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1 câu trong đoạn đầu tiên của bài tôi đã viết rằng: "núi Tu Di là một mã văn hóa tiếp thu từ Brahman giáo, nhưng đã có những biến đổi sâu sắc khi đi vào hệ thống kinh tạng Phật giáo." Cảm ơn bác!

      Xóa